Nhà vệ sinh công cộng: Nơi thừa nơi thiếu

Nhà vệ sinh mất vệ sinh
Nhà vệ sinh công cộng: Nơi thừa nơi thiếu

Tại TPHCM, đã có hơn 208 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) được xây dựng trên vỉa hè nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, có tình trạng nơi tập trung đông người đi dạo, cần NVSCC thì tìm đỏ con mắt không thấy.

NVSCC tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) rất ít khi mở cửa.

NVSCC tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) rất ít khi mở cửa.

Nhà vệ sinh mất vệ sinh

Ở một số tuyến đường, NVSCC đặt nằm khuất sau các dãy hàng quán và trở thành tụ điểm của các đối tượng chích hút ma túy. NVSCC trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) mỗi ngày có chưa tới 10 người ghé đến, bởi rất mất vệ sinh, bên trong nồng mùi hôi, giấy vệ sinh xả vương vãi, nước lênh láng và đôi khi còn có kim tiêm của con nghiện. Một số bạn đọc phản ánh, sau một lần vào NVSCC là ớn luôn, không dám bước chân vào bất kỳ NVSCC nào nữa, bởi bồn cầu không được xả, thùng giấy vệ sinh nhiều ngày chưa được đổ. NVSCC tại Công viên Tao Đàn (phía giáp với trụ sở Sở Y tế) và Công viên Lê Văn Tám (phía góc đường Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng) lâu nay cũng bị người dân chê mất vệ sinh. Đây là những NVSCC được xây dựng từ lâu nên rất xập xệ, cộng thêm việc dọn vệ sinh không thường xuyên nên bốc mùi hôi.

Trong khi đó, tại Công viên 23-9, có gần 10 NVSCC cố định và di động được lắp đặt tại đây, vì mật độ khá dày nên một số nơi rất hiếm khi có người ghé đến. Nhiều NVSCC được tận dụng để làm điểm bán tạp hóa. NVSCC ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2) được xây dựng nơi hầu như không có người đi bộ, cũng không thuận tiện để dừng xe, nên không mấy người ghé đến, chỉ mở vài tiếng mỗi ngày vào buổi trưa, sáng mở rất trễ còn chiều đóng cửa sớm. Chính sự phân bổ NVSCC không hợp lý dẫn đến sự lãng phí. 

Nơi tìm đỏ mắt không ra

Mỗi ngày, khu vực trung tâm TP như Bưu điện Sài Gòn, Nhà hát Lớn, Công viên 30-4 đón rất nhiều khách tới tham quan, đó còn chưa kể một lượng lớn các bạn trẻ tập trung vui chơi tại đây, nhưng lại không có NVSCC. Anh Trần Đức Khánh, hướng dẫn viên du lịch, kể: “Mỗi lần đưa du khách đi tham quan trong khu vực trung tâm TP, tôi luôn phải đưa vào các trung tâm thương mại và nhắc họ tranh thủ đi vệ sinh tại khu nhà vệ sinh ở đó để tránh tình trạng khi đi dạo trên phố không tìm được NVSCC”.

Đến Công viên 30-4 tham gia sinh hoạt nhóm từ thiện, bạn Hoàng Mạnh Phúc than: “Khu vực này không có NVSCC nên mỗi khi có nhu cầu, tụi em phải kéo nhau vào trung tâm thương mại đi nhờ. Nhiều khi cũng ngại nhưng không còn cách nào khác, đành vào đó giả vờ đi ngắm các gian hàng một vòng rồi mới vào nhà vệ sinh”.

Những điểm thường tập trung đông người tới hóng gió vào buổi chiều và tối cũng không có NVSCC. Cửa hầm vượt sông Sài Gòn thường có nhiều bạn trẻ tới hóng gió buổi chiều tối, đây còn là điểm được phép đậu xe nên nhiều tài xế và hành khách cũng tranh thủ đi vệ sinh, nhưng vì không có NVSCC nên hai bên đường trở thành... nơi xả. Thậm chí, khu vực cầu Mống (quận 1) bị biến thành… “phố tiểu bậy” vì cánh taxi coi các bức tường chân cầu là nơi xả. Do đó, nhiều du khách phải nín thở bước đi thật nhanh qua khu hóng gió lý tưởng này. Các chân cầu và cột lan can ở công viên ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có tình trạng tương tự. Chị Tập, nhân viên quét dọn vệ sinh ở khu vực cầu Mống, than: “Quét dọn vệ sinh ở nơi khác chỉ có rác, còn ở đây phải dọn đủ thứ mất vệ sinh. Hồi đầu chưa quen, không ăn được cơm”. Mà đâu phải do thiếu NVSCC mà người ta phải tiêu tiểu bậy, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, NVSCC ngay cổng Bệnh viện Từ Dũ vẫn vắng người sử dụng. Tuy có NVSCC nhưng nhiều người chạy xe ôm và tài xế taxi lại chọn khoảng vỉa hè trống bên hông NVSCC này để tiểu tiện bừa bãi. Lý do họ đưa ra là “nếu vào NVSCC thì tốn tiền”.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết: Hiện nay các NVSCC trên địa bàn TPHCM được giao cho nhiều đơn vị quản lý, nên việc phân bổ vị trí không theo nhu cầu, cũng như chất lượng phục vụ không đảm bảo tính đồng bộ. Ngoài ra, nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP có vỉa hè nhỏ hẹp nên không thể xây dựng các NVSCC. Do đó, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT rà soát và xây dựng kế hoạch chỉnh trang, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống NVSCC trên địa bàn TP sao cho đảm bảo phân bổ hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình sử dụng, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và đủ ánh sáng để hoạt động 24/24 giờ. Ngoài việc phù hợp quy chuẩn và tiêu chuẩn hiện hành, NVSCC phải có đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị hiện đại, có khu vực dành riêng cho người khuyết tật. Cũng theo ông Cường, TPHCM đang kết hợp với Sacombank lắp đặt thí điểm 11 NVSCC kèm cột ATM đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao tại Công viên Tao Đàn, Công viên Lê Văn Tám, Công viên 23-9, Bến xe Chợ Lớn, Bến xe Đầm Sen. Các công trình này được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, nên toàn bộ chi phí xây dựng, bảo trì và duy trì hoạt động đều do ngân hàng chi, do đó người dân sẽ được miễn phí khi sử dụng. Trong dịp Tết Nguyên đán, 3 NVSCC ở 3 công viên được đưa vào sử dụng, tiếp đó, các NVSCC ở các điểm khác cũng sẽ được xây dựng.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục