Những độc đáo về văn hóa các dân tộc với bao di sản dân gian, phong tục tập quán, cách ăn nếp ở, tín ngưỡng… của châu thổ sông Cửu Long chính là nguồn tài nguyên du lịch vô cùng giá trị, níu chân bạn bè gần xa. Khác với phía Bắc, miền Trung, ĐBSCL có thể kinh doanh du lịch suốt 12 tháng trong năm, tránh được yếu tố mùa vụ nhờ thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn hòa.
Du lịch nhờ vậy trở nên một trong những thế mạnh, là ngành kinh tế trọng điểm để phát triển ĐBSCL. Khách du lịch trong và ngoài nước đến ĐBSCL ngày càng nhiều hơn, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 13%/năm. Kết quả đó ngoài sự nỗ lực của chính từng địa phương còn do sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, Bộ VH-TT-DL và Tổng cục Du lịch cùng nhiều ban ngành liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như đề án, kế hoạch kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, đến nay, du lịch vùng đất này vẫn chưa cất cánh, vẫn là “vùng trũng” của ngành du lịch cả nước. Đây cũng là vấn đề đầy bức xúc, trăn trở của bất kỳ ai còn tâm huyết với du lịch đồng bằng.
Vấn đề sống còn của du lịch là phải có những sản phẩm đặc trưng và độc đáo, phù hợp với từng loại đối tượng du khách. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNTWO), sản phẩm du lịch được cấu thành từ kết cấu hạ tầng, tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và dịch vụ cung ứng (nhân lực du lịch là yếu tố quyết định).
Thế nhưng, ngay loại hình du lịch sinh thái được coi là thế mạnh của vùng đồng bằng thì sản phẩm du lịch của 13 tỉnh - thành sông nước này đến nay hầu như vẫn chỉ “lên ghe, xuống xuồng, thăm vườn trái cây, nghe đờn ca tài tử” dẫn đến chồng chéo, trùng lắp, nhàm chám, đơn điệu. Chưa kể hiện tượng “nhái” sản phẩm, ý tưởng kinh doanh khiến ngay những người trong ngành cũng ngán ngẩm, buông xuôi. Kinh doanh lữ hành, loại hình thể hiện sự năng động, sáng tạo và chứng tỏ khả năng thu hút khách trực tiếp lại rất yếu qua con số hơn 90% lượng khách là do ngoài vùng “nối tour”.
Đã yếu lại thiếu hợp tác, liên kết nội vùng. Tư tưởng “sứ quân”, “không ai hơn ai” dẫn đến bất hợp tác vẫn âm ỉ giữa các đơn vị du lịch trong vùng; thậm chí có nơi có lúc còn cạnh tranh hạ giá tour, giành giật khách… Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự trùng lắp, đơn điệu sản phẩm khiến du khách đến rồi không hẹn ngày trở lại.
Lãnh đạo một trung tâm xúc tiến thương mại - du lịch nhận định, nếu ngành du lịch các tỉnh không nhanh chóng liên kết lại để cùng tồn tại và phát triển thì e rằng trong chục năm tới, bộ mặt du lịch của ĐBSCL cũng không khác gì hiện nay?
Để du lịch ĐBSCL cất cánh cần nhanh chóng có một “nhạc trưởng” đúng nghĩa thực hiện vai trò điều phối, điều hành. Bên cạnh đó là đầu tư cho nhân lực; xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng biệt; nâng cấp có trọng tâm trọng điểm hạ tầng du lịch... Nhà nước chỉ tạo sân chơi, quan trọng là nhận thức của các doanh nghiệp. Người đồng bằng cần thay đổi tư duy cho giải pháp chiến lược: hãy bắt tay nhau, ngồi lại với nhau bàn bạc thấu đáo, phân khúc thị trường rõ ràng (cái nào khai thác bằng nguồn lực tại chỗ, cái nào cần phải liên kết…), chia sẻ quyền lợi hợp lý, thỏa đáng theo đúng tiềm năng thế mạnh của mình vì một thương hiệu chung, mái nhà chung: sức quyến rũ của đất chín rồng.
NAM PHƯƠNG