"Vấn đề tăng “khả năng chống chịu” của nền kinh tế Việt Nam - được hiểu là khả năng sử dụng các chính sách, giải pháp để giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi hoặc điều chỉnh, giảm thiểu tác động tiêu cực của các cú sốc ngoại sinh bất lợi và hưởng lợi từ các cú sốc tích cực – đang trở nên ngày càng quan trọng trước thực tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế qui mô còn nhỏ nhưng có độ mở lớn, còn nhiều vấn đề nội tại cần xử lý và ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài" - TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả tại Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV nhận định tại hội thảo “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp tổ chức sáng nay 15-5, tại Hà Nội.
Từ nửa cuối 2018 đến nay, 3 rủi ro chính có nguy cơ làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và tác động đến kinh tế Việt Nam, bao gồm căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ-Trung, Mỹ-EU...) ; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các nước lớn và rủi ro địa chính trị (Brexit, cấm vận, khủng bố...) cộng với tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.
Bên cạnh những điểm tích cực đáng ghi nhận, nội tại kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức, làm gia tăng khả năng dễ bị tổn thương của nền kinh tế.
Trong đó, đáng lưu ý là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (tính bằng lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản - ROA) bình quân chỉ đạt 2,7%; trong đó khu vực doanh nghiệp FDI có hiệu suất sinh lời cao nhất (6,9%); tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước DNNN (2,6%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước (1,4%, cao hơn không đáng kể mức 1,2% năm 2011).
Về tình hình phát triển doanh nghiệp, mức tăng trưởng bắt đầu có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số doanh nghiệp và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,87% về số doanh nghiệp và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30-40% so cùng kỳ (một phần là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sàng lọc danh sách doanh nghiệp).
Đối với khối DNNN, điểm tích cực là số tiền thu về từ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn gần đây có xu hướng tăng mạnh, song lũy kế 3 năm 2016-2018, cả nước chỉ CPH và sắp xếp được 156 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bằng 1/3 số lượng DNNN đã sắp xếp và CPH giai đoạn 2011-2015). So với kế hoạch năm 2018, còn 53 DNNN chưa được cổ phần hóa và 118 DN chưa được thoái vốn (trong đó, riêng TPHCM và Hà Nội có 50 doanh nghiệp).
Ngoài ra, hết năm 2018, cả nước vẫn còn 595 doanh nghiệp CPH nhưng chưa đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) dù đã đạt được các kết quả khá tích cực, vẫn còn nhiều thách thức, nhất là áp lực tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM hiện nay theo chuẩn của NHNN vẫn đạt yêu cầu là trên 9%, nhưng nếu áp theo chuẩn Basel 2 thì tỷ lệ này chưa đạt yêu cầu (dưới 8%); nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao (tỷ lệ 6,5%, tính đến cuối năm 2018 và đến hết quý 1-2019 còn khoảng 5,8% - theo NHNN).
Tiến trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nếu không quyết liệt sẽ chậm tiến độ, có thể gây điểm nghẽn về thanh khoản và tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.
Chuyên gia Cấn Văn Lực và các đồng sự kiến nghị, để tăng khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế nói chung và của hệ thống tài chính - tiền tệ nói riêng, cần thúc đẩy sự phát triển cân bằng của hệ thống tài chính bằng cách tạo điều kiện phát triển thị trường vốn); chú trọng nâng cao năng lực tài chính và khả năng quản lý rủi ro của hệ thống các tổ chức tài chính; kiểm soát chặt chẽ, có lộ trình giảm mạnh nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối (đạt khoảng 5 tháng nhập khẩu năm 2020).
Ông Lực cũng nhận định, các giải pháp quan trọng khác bao gồm nâng cao năng lực quản lý, giám sát, kiểm soát các rủi ro mang tính hệ thống, có cảnh báo và điều chỉnh kịp thời, phù hợp; đổi mới phương thức quản lý, giám sát (dựa trên rủi ro nhiều hơn là hành chính), hướng tới xây dựng bộ chỉ số cảnh báo sớm (early warning indicators) đối với thị trường tài chính - ngân hàng.
Đồng thời, cần nghiên cứu xây dựng báo cáo ổn định tài chính quốc gia (Financial Stability Report) định kỳ hàng năm; xây dựng khung kiểm soát, xử lý rủi ro khủng hoảng hệ thống tài chính – tiền tệ… Nhanh chóng ban hành và nhất quán thực thi Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới để kiểm soát dòng tiền và quản lý tiền tệ tốt hơn cũng là khuyến nghị mà nhóm tác giả này nhấn mạnh.