Nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng được bảo vệ quyền lợi khi các nhà sản xuất cũng như phân phối có những tiêu chuẩn chặt chẽ trong kiểm soát chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, minh bạch.

Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa ngay từ đầu để bảo vệ người tiêu dùng
Kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa ngay từ đầu để bảo vệ người tiêu dùng

Theo các chuyên gia, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường nội địa ngày càng đa dạng, phong phú, do đó người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ theo mục đích, nhu cầu của mình. Tuy nhiên, giữa thị trường đầy sôi động đó sẽ không tránh khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh. Gian lận thương mại phát sinh ngày càng tinh vi, hình thức vi phạm ngày càng phức tạp không những gây nguy hại đến tâm lý, sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chân chính.

Điển hình như ở TPHCM, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thể hiện rõ ở số lượng trường hợp vi phạm trong năm 2023 tăng so với năm trước.

Chẳng hạn với kinh doanh hàng lậu, năm 2023 ghi nhận 1.063 số vụ việc vi phạm (tăng 3,4% so với năm 2022); kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là 1.593 trường hợp vi phạm (tăng 105,81%); kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là 1.302 trường hợp vi phạm (tăng 101,23%)… “Các mặt hàng được các đối tượng tập trung kinh doanh gồm quần áo, giày dép, mắt kính, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hàng điện gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, thuốc tân dược…”, ông Huy cho biết.

Trong bối cảnh đó, theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng với chủ đề “Thông tin minh bạch, tiêu dùng an toàn”. Với chương trình này, Bộ Công thương có kế hoạch thực hiện xuyên suốt năm, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm…

Trong đó, ở cấp Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai như tổ chức lễ phát động Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; tuyên truyền phổ biến; phát hành các tài liệu, ấn phẩm có liên quan; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; tri ân người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện công cộng hướng về người tiêu dùng hay các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Ở địa phương, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá. Bộ Công thương cho biết cũng khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp; bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn. Thực tế, việc nâng cao trách nhiệm với người tiêu dùng đã và đang được các nhà sản xuất, phân phối hàng hóa trong nước chủ động thực hiện từ nhiều năm nay. Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất, các doanh nghiệp như Vinamilk, Vissan, Vinacafé Biên Hòa, CP Việt Nam… là những doanh nghiệp nỗ lực đầu tư cho sản phẩm, kiểm soát chất lượng chặt chẽ; đồng thời đây cũng là những doanh nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng, bình chọn là doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liên tục.

Riêng ở lĩnh vực phân phối, Saigon Co.op là một điển hình. Theo nhà bán lẻ này, Saigon Co.op ý thức rõ trách nhiệm trong việc cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng và đặc biệt chú trọng đến chất lượng hàng hóa kinh doanh tại siêu thị. Do đó, ngay từ những khâu đầu tiên - lựa chọn nhà cung cấp - đơn vị luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP. Riêng về các mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất rau an toàn, ký hợp đồng bao tiêu nông sản. Đối với những mặt hàng thực phẩm công nghệ khác như bánh kẹo các loại, thực phẩm đông lạnh, nước ngọt, sữa, dầu ăn, nước mắm, mì gói… Saigon Co.op chỉ kinh doanh những sản phẩm do các nhà sản xuất uy tín, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện quản lý chất lượng thông qua 3 tầng lớp. Thứ nhất là phối hợp với nông dân, nhà sản xuất kiểm tra nguồn ngay từ đầu. Kiểm tra này là cam kết ngay từ đầu trong việc hỗ trợ tài chính để nhà cung ứng đảm bảo tiêu chuẩn đồng nhất. Thứ hai là kiểm tra tại các trung tâm phân phối. Thứ ba là kiểm tra trực tiếp tại điểm bán hàng gồm các siêu thị, đại siêu thị. Thông qua những việc làm này, Saigon Co.op mong muốn cung cấp những sản phẩm an toàn, chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục