Nhiều trải nghiệm từ lớp học "không vách ngăn"

Nhiều trường học ở TP Đà Nẵng triển khai “lớp học không tường” đưa học sinh tiếp cận hoạt động “mở”. Lớp học này có thể ở bất cứ đâu, miễn là thầy cô giáo là người tìm ra phương tiện, xác định mục đích của buổi học.
Từ những sản phẩm làm việc nhóm của học sinh, thầy cô giáo trường TH -THCS - THPT Sky-Line hướng dẫn các em cách sử dụng từ ngữ, kỹ năng trình bày trong môn học Ngữ văn
Từ những sản phẩm làm việc nhóm của học sinh, thầy cô giáo trường TH -THCS - THPT Sky-Line hướng dẫn các em cách sử dụng từ ngữ, kỹ năng trình bày trong môn học Ngữ văn

Học tập dựa vào thực tiễn

Thay vì học văn trong lớp học, các em học sinh trường TH-THCS- THPT Sky-Line đã có buổi học trải nghiệm dịch vụ xe đạp công cộng xung quanh nút giao thông Bạch Đằng - Bình Minh 6 - Bình Minh 4 (quận Hải Châu). Sau khi trải nghiệm một vòng đạp xe xung quanh công viên APEC, em Lê Hữu Nhựt, học sinh lớp 10 cho biết, em có thời gian quan sát, cảm nhận khung cảnh xung quanh dọc bờ sông Hàn một cách chậm rãi, tường tận hơn. Không chỉ vậy, được học ở môi trường thực tiễn, nhóm em có thêm sự hứng khởi, giúp các giờ học không còn khô cứng, nhàm chán với học trò.

Các hoạt động "Lớp học không tường" mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh

Các hoạt động "Lớp học không tường" mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh

Cùng ý kiến, theo em Trần Thảo Nhi, học sinh lớp 10, em từng tham gia nhiều tiết học không tường như ở làng Gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), làng rau Túy Loan (huyện Hòa Vang), Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Chăm (quận Hải Châu), bảo tàng Đồng Đình (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)… Mỗi nơi đến, thầy cô giáo luôn đưa ra những vấn đề gắn liền với nơi đó để tạo ra những bài học giúp học sinh thỏa sức sáng tạo, tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.

Cứ khoảng 2 tháng/lần, Trường Tiểu học – THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức cho học sinh học tập thực tế tại một trang trại ở ngoại ô TP Đà Nẵng. Tùy theo khối lớp, các nhóm học sinh được phân công một số nhiệm vụ như: phân tích điều kiện về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu để tìm hiểu các loại cây trồng phù hợp; phân loại rễ cây, cấu trúc lá, cách sắp xếp lá trên cây; học cách làm đất tơi xốp, cách bón phân, xếp luống, gieo hạt…

Khối Tiểu học trường Tiểu học – THCS Đức Trí thu hoạch lúa

Khối Tiểu học trường Tiểu học – THCS Đức Trí thu hoạch lúa

Lần đầu tiên chứng kiến gà con tự mổ vỏ, nhóm học sinh cảm thấy thú vị. Những công việc của một trang trại sẽ dần được học sinh tiếp xúc qua từng năm học, để các em có thể hình dung quy trình trồng rau sạch, biết được vai trò của một số loài động vật có lợi cho nông nghiệp như giun đất,…

Nhiều phương thức trải nghiệm

Với những hoạt động ngoài trời, các em học sinh đã có trải nghiệm khó quên. Cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học – THCS Đức Trí cho biết, nếu nhìn qua thì chỉ trông như các em đang tham gia một hoạt động dã ngoại nhưng thực tế là mỗi học sinh đều phải quan sát, tìm kiếm thông tin để phục vụ cho bài tập thu hoạch nhóm của mình. Những bài học môn Tự nhiên – Xã hội trở nên sinh động và dễ nhớ đối với các em học sinh vốn chưa bao giờ được nghịch đất, trồng cây.

Những bài học bên ngoài bốn bức tường lớp học vì thế cũng dễ dàng thẩm thấu vào tâm trí của học sinh

Những bài học bên ngoài bốn bức tường lớp học vì thế cũng dễ dàng thẩm thấu vào tâm trí của học sinh

Còn theo thầy Bùi Thanh Phát, giáo viên dạy văn lớp 10 trường TH-THCS- THPT Sky-Line, những lớp học ngoài không gian trường lớp như thế này không chỉ là nơi trao truyền kiến thức, mà còn đóng vai trò bồi dưỡng kỹ năng sống, giúp học sinh thêm bản lĩnh, tự tin khi bước vào đời. Đây là một cách dạy sáng tạo, trải nghiệm, lấy học sinh làm trung tâm. Lớp học không vách ngăn có thể thực hiện ở bất cứ đâu, miễn là thầy cô giáo tìm ra được phương tiện và xác định được mục đích của buổi học. Không chỉ vậy, thầy cô giáo phải đảm bảo an toàn cho học sinh ở khu vực ngoài không gian trường lớp.

“Ở không gian ngoài trời sẽ có nhiều yếu tố chi phối vì vậy thầy cô giáo không dễ dàng quản lý học sinh trong không gian “loãng”. Các thầy cô liên tục tạo hoạt động để học sinh có sự hưởng ứng, tập trung để suy nghĩ về các vấn đề đặt ra”, thầy Phát cho hay.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) so sánh, khác với bậc trung học, với tiểu học, công tác hướng nghiệp chủ yếu được tích hợp, lồng ghép qua các môn học như Tự nhiên – Xã hội, đạo đức, Tiếng Việt… và hoạt động trải nghiệm. Trong đó, chủ yếu giới thiệu cho các em một số ngành nghề cơ bản trong xã hội, góp phần hình thành hứng thú nghề nghiệp cũng như ý thức tôn trọng người lao động thuộc các thành phần khác nhau.

Một số hoạt động thực tế chỉ giới hạn tổ chức với số lượng tham gia nhất định. Vì vậy, theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), rất khó để một lượng lớn học sinh trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô.

“Xe du lịch cỡ lớn cũng không thể di chuyển vào làng nước mắm Nam Ô được. Với nội dung này, nhà trường chủ yếu giới thiệu cho các em bằng cách trình chiếu video”, cô Nguyệt thông tin.

Một số trường học thực hành ngay tại vườn trường

Một số trường học thực hành ngay tại vườn trường

Có một hướng khác mà các trường tiểu học đang thực hiện là trải nghiệm trong chính không gian sống thường ngày của học sinh. Cụ thể như, hướng dẫn các em tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường, học sinh bán trú tự thu dọn dụng cụ ăn trưa của mình, vệ sinh lớp học hay chăm sóc các góc xanh trong lớp học, dọc hành lang…

Tin cùng chuyên mục