Hôm qua 21-8, các trường ĐH bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 1 kéo dài đến ngày 31-8. Tuy nhiên, không khí nộp hồ sơ xét tuyển tại nhiều trường khá ảm đạm và vắng vẻ.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tiếp nhận thí sinh (TS) trúng tuyển đợt 1 đến nộp giấy chứng nhận kết quả (phiếu điểm) thêm 2 ngày (từ ngày 20 đến 21-8) nhưng nhiều trường vẫn không có TS đến nộp.
Thí sinh đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1 tại Trường ĐH Y Dược TPHCM ngày 21-8
Hạ điểm để vét thí sinh
Đúng như dự báo trước đó của PV Báo SGGP, phản ánh về tình hình khan hiếm nguồn tuyển, TS ảo 50%, hàng loạt trường trong lịch sử tuyển sinh chưa bao giờ “đá hiệp phụ” cũng phải tham gia xét tuyển bổ sung. Trong đó có những trường tốp đầu như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM…
Lần đầu tiên, Trường ĐH Y Dược TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung 402 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo của trường. Nhưng lạ hơn là trường phải hạ điểm xét tuyển so với điểm chuẩn từ 1,5 - 3 điểm để mong có TS nộp hồ sơ. Từ 7 giờ sáng 21-8, nhiều phụ huynh và TS đã đến trường ngồi chờ nộp hồ sơ. Nhiều TS ở Đồng Nai, Khánh Hòa đã đến rất sớm để chờ nộp hồ sơ. Đến 9 giờ, cán bộ thu nhận hồ sơ cho biết có khoảng 10 hồ sơ đăng ký chủ yếu vào các ngành Y tế công cộng, Điều dưỡng, Y học dự phòng.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trường bố trí 4 cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của TS. Trường hạ điểm xét tuyển so với điểm chuẩn đợt 1 ít nhất là 1 điểm để xét tuyển 580 chỉ tiêu cho các ngành thuộc hệ ĐH và CĐ. Tuy nhiên, chỉ có vài chục TS đến đăng ký xét tuyển.
Trong số các trường ĐH công lập lớn tham gia xét tuyển bổ sung thì Trường ĐH Sư phạm TPHCM dẫn đầu cả nước về chỉ tiêu khi phải xét tuyển đến 2.020 chỉ tiêu cho tất cả các ngành thuộc hệ sư phạm và ngoài sư phạm với điểm xét tuyển từ 15 - 31 điểm. Ngay cả những ngành “hót” như Sư phạm toán, Sư phạm hóa học, Sư phạm vật lý, Sư phạm ngữ văn… cũng dành 50 chỉ tiêu để xét tuyển bổ sung đợt 1. Tuy nhiên, trường không nhận đăng ký trực tiếp mà chỉ nhận đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH địa phương dù đợt 1 “vét” TS với điểm trúng tuyển bằng điểm sàn (15 điểm) nhưng cũng chỉ đạt 50%-60% chỉ tiêu.
Thiếu nguồn tuyển
Theo thông tin xét tuyển bổ sung đợt 1 của các trường, rất nhiều trường như ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Tài chính Marketing TPHCM… hạ điểm xét tuyển so với điểm trúng tuyển của đợt 1 với khoảng cách từ 1 - 6 điểm.
Thực tế cho thấy, với hai ngành Răng hàm mặt, Dược học, tại Trường ĐH Y Dược TPHCM nếu không hạ điểm xét tuyển so với điểm trúng tuyển đợt 1 thì chắc chắn xét tuyển đợt bổ sung này sẽ không có nguồn tuyển. Nếu lấy bằng điểm trúng tuyển đợt 1 của 2 ngành trên lần lượt là 26 và 25,5 điểm thì hoàn toàn không có TS. Bởi lẽ những TS đạt mức điểm từ 23-25 điểm gần như đã trúng tuyển tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoặc Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Nhìn vào hồ sơ đăng ký xét tuyển ngày 21-8 của trường, chúng tôi không thấy hồ sơ nào có mức điểm 23,5 hay 24 điểm đăng ký xét tuyển vào ngành Răng hàm mặt và ngành Dược học.
Trao đổi về tình hình TS trúng tuyển đợt 1 nhập học, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: TS trúng tuyển nhập học chưa tới 65%. Với cách xét tuyển năm nay, rất nhiều TS trúng tuyển ở 2 trường nên những TS điểm cao trúng tuyển vào trường sẽ không học mà chọn học ở những trường khác. Do đó, trường phải xét tuyển nhiều chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung. Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM chỉ có khoảng 4.500 TS nhập học so với chỉ tiêu cần tuyển là 6.350. Do đó, để có nguồn tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung, trường phải hạ điểm xét tuyển so với điểm trúng tuyển đợt 1.
Để có nguồn tuyển cho hơn 1.000 chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Tài chính - Marketing thông báo xét tuyển bổ sung với điểm xét tuyển giảm từ 3,5 - 5,75 điểm so với điểm trúng tuyển đợt 1. Theo đó, điểm nhận hồ xét tuyển bổ sung ngành bất động sản và hệ thống thông tin quản lý là 15 điểm, các ngành còn lại 16 điểm. Trong ngày xét tuyển đầu tiên, trường có khoảng vài chục hồ sơ. Thậm chí, khi TS đăng ký chỉ ghi 1 ngành, cán bộ thu hồ sơ tại phòng đào tạo của trường “năn nỉ” TS đăng ký thêm một ngành nữa và khuyên TS đăng ký vào hệ chất lượng cao.
Thực tế cho thấy, với quy định xét tuyển năm nay đã tạo ra tình trạng TS ảo đến 50% ở đợt 1. Thêm vào đó, dù đã được cảnh báo nguồn tuyển khan hiếm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định dư nguồn tuyển nên khiến nhiều trường phá sản ở các giải pháp chống ảo. Trong đợt xét tuyển bổ sung đợt 1, Bộ GD-ĐT quy định TS được đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường 2 ngành thì con số TS ảo sẽ tăng lên khoảng 67%. Và thực tế này đã khiến nhiều trường thật sự “chết đứng” và không còn cách nào khác là phải “vét” làm sao cho đủ chỉ tiêu mới thôi.
THANH HÙNG
* Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển bổ sung đợt 1 trước ngày 5-9. Trước 17 giờ ngày 7-9, thí sinh phải nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường nhập học để xác nhận sẽ học tại trường. Nếu thí sinh nộp giấy này qua đường bưu điện, thời gian sẽ tính theo dấu bưu điện. Bắt đầu từ ngày 11-9, các trường còn chỉ tiêu sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Thời gian xét tuyển đợt này kéo dài đến hết ngày 21-9. Kết quả đợt này được công bố trước ngày 24-9… Thời hạn cuối cùng công tác xét tuyển của đại học là 20-10 và của cao đẳng là 15-11. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận kết quả thi, thí sinh cần liên hệ với trường đại học chủ trì cụm thi làm đơn xin trường xác nhận. Trường sẽ cấp cho thí sinh 1 giấy chứng nhận kết quả thi “được cấp lại” (có dấu đỏ của trường và được ghi là “bản cấp lại”). LÂM NGUYÊN * Hiện nay, nhiều trường đại học ở khu vực ĐBSCL như Đại học An Giang, Đại học Bạc Liêu, Đại học Tây Đô, Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, Đại học Trà Vinh… thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung hệ đại học và cao đẳng chính quy năm 2016. Ông Võ Hoàng Khải, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: Các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển từ ngày 21 đến 31-8 qua đường bưu điện, trực tuyến hoặc nộp tại trường. Lưu ý, các thí sinh khi nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung nên theo dõi thông tin xét tuyển trên trang tuyển sinh của trường, tìm hiểu kỹ các thông tin tuyển sinh về chỉ tiêu, quy định xét tuyển, mức học phí… Rút kinh nghiệm từ xét tuyển đợt 1, để chọn đúng trường, các thí sinh cần xem xét mức điểm phù hợp của từng khối thi, năng lực của bản thân, nhằm có cơ hội trúng tuyển đúng ngành, đúng nguyện vọng yêu thích… NGỌC DÂN |