Nhỏ Hạ

Nhỏ Hạ

Tôi hơn con nhỏ 5 tuổi nhưng theo vai vế, nhỏ phải kêu tôi bằng thím. Trong nhà, chỉ có tôi và nhỏ tròm trèm độ tuổi nhau nên thân thiết như chị em. Hầu như nhỏ có chuyện gì cũng kể tôi nghe. Còn tôi, trong những ngày chồng vắng nhà đi công tác xa, tôi cũng thường hay trút cho nhỏ nhiều nỗi suy tư. Tôi khoái nhỏ cái tính cần cù lại hay thương người. Cũng có lúc, con nhỏ nổi cơn bướng, cái mỏ nhìn chu chu thiệt mắc cười.

Công bằng mà nói, nhỏ rất xinh. Mái tóc nhỏ dài, dày và hoe hoe màu nắng. Nhỏ thật mi nhon khi đóng thùng bảnh bao cắp cặp chào ông bà, chào thím con đi học. Hai mươi hai tuổi lại là người luôn tay luôn chân nên mới nhìn đã nhận thấy nhỏ chắc mẩm, như thể hạt lúa trên đồng phơi sương uống nắng đến tròn đầy.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Tôi cũng thường ghẹo nhỏ, dân làm lúa nên… khó quên được lúa vì nếu hỏi nó sáng mai ăn gì, nó sốt sắng đăng ký ngay: Cơm nguội! Tôi chọc mà nhỏ không cãi. Đôi má tròn tròn của nó chỉ ửng hồng. Nhỏ chớp chớp đôi mắt to đen láy, hai hàng mi dày đen thui, ánh mắt long lanh như thể ao chuôm của mùa thu. Cái ánh mắt trong vắt ấy làm tôi cảm thấy tin tưởng quá đỗi.

Tôi nhất định, ánh mắt như thế không thể chứa đựng những điều mờ ám, xấu xa được. Mũi của nhỏ hơi hếch lên, bướng bỉnh một cách khiêu khích. Cái miệng nhỏ không cần là hình trái tim với bờ viền nổi rõ cặp môi căng đầy của quả… táo, tôi thấy đã quá xinh. Khi nhỏ cười, xòe khoe hàm răng đều trắng nõn, tôi càng mềm lòng trước vẻ đáng yêu của cô nhỏ sinh viên. Thấy đám con trai gần nhà cứ ngẩn người nhìn nó, tôi ngoắc nhỏ lại gần, thầm thì:

- Hạ nè, có người xin thím số điện thoại của con đó nha!

Nhỏ đỏ mặt cười toe, te te chạy tuốt vô bếp. Con nhỏ bây giờ so với lần đầu tôi gặp thật quá khác. Khi tôi lấy chồng, nhỏ mới 18 tuổi. Cho nên, trong nhiều lần chuyện trò, tôi thường hỏi han về quãng thời gian mà tôi chưa quen biết nó.

Ba nó đi biển và không trở về trong một cơn bão khủng khiếp, lúc đó, nó mới 2 tuổi, anh nó 4 tuổi, còn má nó 23. Gia đình hai bên đều nghèo rớt mùng tơi. Một mình má nó xấp xải lo cho hai anh em có cái ăn, cái mặc và cái chữ trên miền quê nghèo “mưa thúi đất, nắng điên đầu”. Được mấy năm, nợ nần trả không xuể, má nó rời quê vào Sài Gòn làm lụng, nhín nhíu gửi tiền về nuôi con. Hai anh em ăn cơm bên nhà ông bà nội, sáng đi học, chiều phụ ông bà việc đồng áng, tối về thì băng qua sân vô nhà ba má giăng mùng ngủ.

Những ngày cuối năm, nhà nhà trong xóm đều nhận gừng về cạo vỏ cho người ta làm mứt bán. Nó cũng ráng cạo, cứ cạo vỏ 1kg gừng thì được 5.000 đồng. Muốn có nhiều tiền phụ má, nó nhận cạo gừng nhiều đến nỗi hai tay bỏng rát, bưng chén cơm muốn rớt. Nhiều lúc bị anh ăn hiếp, nó tức tưởi chạy ra sân ôm lấy gốc xoài mà khóc. Lát sau, thằng anh thấy thương thương, đi ra sân ôm em dỗ dành, chọc đến lúc em cười hi ha mới thôi. Có lúc dỗ em không nín, hai anh em ôm nhau khóc gọi má. Hồi đó, đâu có điện thoại dễ như bây giờ.

Được mấy năm, thằng anh nghỉ học, vào Sài Gòn kiếm sống. Nó dọn qua nhà ông bà nội ở. Thường, má nó về trước mùng 1 Tết 1 ngày. Dọn dẹp, đi chợ sắm sửa mâm cơm cúng bên nhà nội xong thì xin phép dẫn anh em nó về nhà ngoại. Lúc chưa sắm được xe đạp thì ba má con cuốc bộ khoảng nửa tiếng đồng hồ. Không hiểu là miền quê lúc ấy trời mát mẻ hay quá phấn khởi trong lòng mà nó đi chẳng bao giờ thấy mệt. Mỗi lần gặp má, nó cứ đeo riết đến lúc má đi thì mới thôi.

Má ôm nó thủ thỉ: “Con ráng học giỏi. Má ở vậy nuôi con ăn học mà con không chịu học thì tội má lắm nghe!”. Nó chẳng hiểu hết ý tứ má nhắn nhủ nhưng cũng thấy yên tâm. Nhưng chừng bảy tám năm sau, má nó đã dẫn theo một người đàn ông về quê ăn tết. Lúc người ấy lì xì cho thằng anh, thằng anh bật cười ha ha, cầm bao lì xì giơ lên vẫy vẫy đầy vẻ hỉ hả. Con nhỏ không cười, cũng không thèm nhìn mặt người đàn ông đứng trước mặt. Khi người đàn ông đó xoa đầu, đưa cho nó cái bao lì xì bóng đẹp, nó gạt rơi xuống đất, chu mỏ gào lên:

- Tui không cần đâu! Tui chỉ có một ông ba thôi. Tui không nhận ông nào làm ba tui nữa hết.

Nó tức tối thấy cả nhà ngoại cười cười như gặp chuyện vui. Má nó đã làm chuyện động trời đất vậy mà chẳng có ai đứng ra bênh vực nó. Bà ngoại còn lườm lườm, đe:

- Nè bây! Tết nhất mà khóc trong nhà tao thì tao đuổi cổ ra khỏi nhà à nha!

Bà ngoại thương nó lắm mà bữa đó cũng không thèm chung phe với nó. Nó bỏ về nhà nội ăn tết. Lần đầu tiên trong đời, nói ăn tết mà nó thấy mình khổ sở ghê gớm. Trong đầu nó cứ ám ảnh mãi những lời bóng gió của cậu dì rằng má đi lấy chồng, mai mốt có em bé, nó phải ra rìa. Nghĩ một câu, nó rớt nước mắt một câu. Ba không còn, má có chồng mới, chẳng còn ai thương nó. Sao tội nghiệp thân nó thế này? Nhìn đôi tay còn đỏ phồng vì cạo vỏ gừng, bất giác nó nghĩ giờ nó cay đắng thế này, mai mốt nó chết chắc hóa thành củ gừng cho coi.

Khóc mỏi mắt, nó lăn ra ngủ. Không biết được bao lâu, nó chợt thức giấc vì nhận ra bàn tay má đang vuốt mớ tóc bết trên mặt nó. Gương mặt má nó đầy vẻ ái ngại. Nó đi ra ngoài giếng múc nước rửa mặt mũi tay chân, xong lấy cái khăn mới tinh dành cho ngày tết ra lau mặt. Nắng sắp tắt ngoài sân. Gió khe khẽ lay trên tán lá xoài rậm rạp. Nó hắng giọng hỏi thật rành rọt:

- Má hồi đó nói sao mà giờ má vầy?

Má nó thủng thẳng:

- Ờ thì hồi đó khác, còn giờ khác chớ.

Nó ngước mắt lên hỏi trỏng không, kiểu nói chuyện khi nó bất cần: “Khác sao?”.

Nắng hắt những tia yếu ớt qua cửa. Giọng má nó cũng yếu ớt, nhũn nhịn. Má nó kể cho nó nghe về những ngày tháng nơi đất khách quê người vật lộn với cuộc mưu sinh, chắt bóp từng đồng mà vẫn thiếu trước hụt sau trước những khoản tiền ăn học của con. Gần chỗ má bán có ông bộ đội xuất ngũ hơn má mấy tuổi, hiền lành, chịu thương chịu khó mà lại chưa vợ con gì, ổng âm thầm để ý thương má. Mới đầu, má cũng không dám nhận lời vì sợ miệng lưỡi thế gian - trai tân lấy gái nạ dòng - rồi lại sợ các con của má sẽ khổ…

Nhưng người ấy quyết: “Mình sẽ không sinh con nữa. Vợ chồng mình ráng làm nuôi hai con. Sau này hai đứa lớn lên, nó thương thì mừng chứ có gì đâu”. Má còn chưa dám cho tụi nhỏ hay chuyện nhưng người đàn ông đó đã thực hiện lời hứa. Hai người thuê chỗ trọ nhỏ xíu, ăn uống tiện tặn. Mỗi ngày, ổng dậy sớm đi làm, chiều về vét hết tiền đưa cho má, má đưa lại bao nhiêu thì đưa. Lâu lâu lại hỏi tiền dành cho mấy đứa nhỏ thiếu đủ sao không? Mấy lúc nghe tiền học tăng thêm, ổng càng cố sức kiếm tiền. Bạn bè rủ rê, ổng lắc đầu, nói giờ có vợ con rồi, đi chơi không giải quyết được gì.

Có đợt ổng bị bệnh nặng lắm, không đi làm được. Má tính không bàn chuyện chuẩn bị đóng tiền học cho con nhưng ổng vẫn đoán biết được nên kêu bán 1 miếng đất ổng mua từ hồi chưa gặp má, lấy tiền gửi cho con. Nhờ có ổng góp gạo thổi cơm chung mà má mới đủ sức nuôi con ăn học, tạo dựng nghề nghiệp cho anh con. Bên nhà ổng cũng đều tội má. Má làm sao không cho ổng về cùng…

Nó lặng lẽ ngồi nghe, lòng trỗi lên một nỗi xót xa, không phải cho thân nó mà là cho ông dượng. Trời chập choạng tối. Nhỏ đèo má chạy băng băng trên lộ. Chốc lát thắng gấp làm má dúi mặt vào lưng nó, hai má con cùng cười khúc khích. Tối, nó tỉnh bơ kêu má vô với ổng đi, không cần má ngủ cùng. Bà ngoại lúc đó mới lại gần, xoa tay lên lưng nó gật gù: “Bây nghĩ vậy được đó. Má bây còn trẻ mà, hổng lẽ cứ ở vậy hoài sao chứ?”.

Năm đó, má nó 35 tuổi. Hết cấp 3, nhỏ cũng vô Sài Gòn học tiếp. Ở cùng trong căn nhà trọ chật chội thiệt nhưng ông dượng luôn đối với má con nó rộng lượng, bao dung. Nó thấy ổng cưng chiều anh em nó còn hơn cả má nó. Xin má thứ gì không được, chứ theo hỏi xin ổng vài bận là ổng gật đầu. Con nhỏ nói với tôi rằng tới giờ, dù nhỏ thấy rất thương ông dượng nhưng sao khó thể gọi bằng ba quá. Mà cứ nói trỏng với ổng hoài thì cũng tội nghiệp, bởi ổng có tiếc gì với má con nó đâu?

Bận bịu với bao nhiêu việc cuối năm ở cơ quan rồi còn tất bật chăm lo cho ba mẹ chồng ốm đau, cho các con học hành, tôi cũng chẳng mấy lưu tâm chuyện xưng hô của nhỏ. Một lần, đang dọn góc học tập, tôi nhìn thấy một quyển vở, lật qua vài trang, thấy nhỏ viết: “Con muốn gọi ông ấy là cha! Cha không phải là ba nhưng chẳng khác ba là mấy. Con chuẩn bị đi làm. Con sẽ tự nuôi được mình, mẹ sẽ đỡ cực nhọc. Thức khuya dậy sớm mà có lời còn đỡ, bữa nào bán ế coi như lỗ gấp đôi…”.

Mắt tôi nhòe đi. Con nhỏ hai mươi hai tuổi, lớn quá rồi còn gì…

HÀ MINH THẮM

Tin cùng chuyên mục