Bút ký

Nhớ những ngày tháng tư ở Nam Lào

Nhớ những ngày tháng tư ở Nam Lào

Sau 20 đêm vượt qua được những trọng điểm máy bay địch đánh phá ác liệt, tôi mới đến được huyện Nà Nhôm, thuộc tỉnh Xavănnãkhệt, thì Chiến dịch đường 9 - Nam Lào đã kết thúc: 55.000 quân ngụy Sài Gòn có quân Mỹ yểm trợ tiến vào xâm lăng Lào nhằm mục đích cắt đứt, chặn phá con đường chi viện của miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Nhưng chúng đã bị quân ta đánh cho tan tác, tháo chạy tán loạn, đến nỗi bắn chết, “cắn xé” lẫn nhau để tranh chỗ, đeo bám càng máy bay lên thẳng để thoát thân.

Không đến kịp chiến dịch, mãi đến chiều 10-4, tìm gặp được Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên, anh cười, nói: “Giặc nó chạy hết rồi! Bây giờ nhà văn nhà báo mới đến, thì còn viết được gì nữa?”. Tôi nói: “Chính vì thế mới xin gặp nhờ anh giúp đỡ, giới thiệu tôi đến các địa phương, tìm hiểu về tình đoàn kết Việt - Lào; quân và dân các tỉnh Nam Lào phối hợp với Việt Nam trong chiến dịch này đã đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ - ngụy Sài Gòn”. Anh Đồng Sĩ Nguyên ngẫm nghĩ rồi nói: “Đề tài này cũng cần đấy. Mình sẽ giới thiệu cậu với Quân khu Nam Lào. Bạn sẽ giúp cậu về Bản Đông, Mường Phin, Xê Pôn” …

Nhờ sự giúp đỡ của anh, chỉ ngày hôm sau tôi đã đến được Bộ Tư lệnh Quân khu Nam Lào. Đồng chí Xà Mán Vinhãkệt, Tư lệnh Quân khu, nói: “Vài ngày nữa là Tết Bun Pimày của Lào, anh ở lại đây ăn tết, rồi mấy hôm nữa có đoàn y tế Trung ương Lào xuống các huyện dọc đường 9, sẽ gửi anh cùng đi”.

Tết Lào vào các ngày theo Phật lịch từ 13 đến 16-4 dương lịch hàng năm. Những ngày đó người ta làm lễ tắm Phật, tổ chức ăn uống, hội hè, múa hát suốt ngày đêm và té nước vào người nhau với ý nghĩa để cầu trời mưa xuống mở đầu cho một mùa cày cấy, mang lại no ấm hạnh phúc cho cả một năm.

Mấy ngày tết sống với bộ đội Pathệt Lào, tôi được anh em bộ đội thương yêu chăm sóc. Lại được nhân dân quanh vùng đóng quân mời về nơi họ sơ tán để được cùng té nước, cùng các chàng trai, cô gái múa hát thâu đêm. Vào thăm nhà mẹ Bua, biết gia đình tôi còn sống trong vùng Mỹ ngụy, mẹ Bua nói: “Mong đánh cho mau xong giặc Mỹ, để các con trở về sum họp với gia đình!”.

Tôi hiểu và biết ơn người Lào. Chính vì ước mong Việt Nam được thống nhất mà người Lào đã bỏ lại những bản làng trù phú xinh đẹp vào sống cuộc sống gian khổ men theo những dãy núi có hang đá để tránh bom đạn, nhường làng xóm cho bộ đội Việt Nam mở đường vận tải quân sự, cho xe chở người, lương ăn và vũ khí chạy qua đất Lào vào chi viện chiến trường miền Nam.

Ngồi nghe mẹ Bua kể về cái làng cũ đã bị bom đạn Mỹ đánh tan nát, đã thành con đường tuyến (báo chí phương Tây gọi là đường mòn Hồ Chí Minh) tôi chợt nhớ hôm qua Xà Mán nói: “Quân dân Nam Lào đã chịu đựng gian khổ, hy sinh để giữ gìn, bảo vệ cho con đường vào giải phóng miền Nam Việt Nam. Đời nào người Lào chịu bó tay, để Mỹ - Thiệu đổ quân vào đánh phá chặt đứt con đường tình nghĩa này” …

Ngày đoàn cán bộ y tế Trung ương Lào đến, tôi được Tư lệnh Quân khu Nam Lào giới thiệu và gửi gắm với trưởng đoàn - bác sĩ Khăm Liêng Phônxêna (Thứ trưởng Bộ Y tế) rất vui vì có mặt nhà báo Việt Nam cùng đi. Thái độ Khăm Liêng thân thiết, nhưng tôi vẫn còn dè dặt vì được biết anh là người Pháp, gốc Lào. Anh nguyên là giám đốc một bệnh viện đa khoa lớn ở Paris, lấy vợ người Pháp, có biệt thự sang trọng ở thủ đô nước Pháp. Đoàn Y tế Lào không di chuyển bằng ô tô. Chúng tôi chống gậy đi bộ trên đường rừng, qua nhiều làng bản, hướng về đường số 9. Nghe những câu hỏi, những tìm hiểu và dặn dò của đoàn khi tiếp xúc với dân, tôi biết đây là một đoàn cán bộ đi giải quyết những hậu quả về dịch bệnh sẽ xảy ra sau một chiến dịch đánh lớn.

Đoàn đến gần Bản Đông, Xê Pôn nơi những trận đánh ác liệt đã xảy ra. Mặc dầu hàng chục ngày đã trôi qua nhưng xác quân ngụy còn nằm rải rác khắp rừng. Mùi xú uế xông lên nồng nặc. Bộ đội, công binh cùng với anh chị em thanh niên xung phong Việt - Lào đang đi tìm kiếm chôn cất. Nghe anh em công binh báo đang đào hố lớn và cho xe xúc hốt những xác ngụy đã phân hủy đem chôn chung, bác sĩ Khăm Liêng đề nghị nên lấy củi rừng mà hỏa táng. Làm như thế hợp vệ sinh hơn. Bởi theo anh dù chôn sâu mấy đi nữa, khi mưa xuống sẽ gây ô nhiễm sông suối, sinh ra dịch bệnh.

Từ phải qua trái: Bác sĩ Nguyễn Phương, bác sĩ Khăm Liêng Phônxêna và tác giả.

Từ phải qua trái: Bác sĩ Nguyễn Phương, bác sĩ Khăm Liêng Phônxêna và tác giả.

Cùng đi với đoàn y tế trong những ngày tháng tư ở Nam Lào tôi hiểu được cuộc sống của nhân dân hậu phương. Các bác sĩ trong đoàn tìm hiểu các loại bệnh tật, còn Khăm Liêng chú ý đến công tác tổ chức đào tạo mạng lưới y tế thôn xã. Tôi thì hỏi đủ các thứ chuyện sản xuất, chiến đấu… Ban ngày Khăm Liêng gặp gỡ dân, trao đổi công tác y tế với cán bộ địa phương, ghi chép lại những ý kiến nguyện vọng của dân và những kế hoạch sẽ làm sau đợt đi thực tế, kiểm tra công tác phòng dịch, bảo vệ và chăm lo sức khỏe nhân dân. Đêm lại anh ngồi viết lách suốt đêm.

Bác sĩ Nguyễn Phương, chuyên gia y tế Việt Nam cùng đi với đoàn kể tôi nghe Khăm Liêng còn là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, một nhà văn, một đạo diễn điện ảnh. Ở Pháp anh đã làm bộ phim Tổ ấm nói về sinh hoạt của các loài chim. Khi về nước, anh đã viết và in ra cuốn tiểu thuyết Xi Nọi nói về một em bé tham gia làm liên lạc, chiến đấu dũng cảm và đã hy sinh. Càng đi, tôi càng hiểu và gần gũi với Khăm Liêng hơn. Anh cũng tỏ ra thân mật với tôi hơn và trao những cuốn sổ ghi chép của anh cho tôi xem. Sổ của anh ghi đủ các thứ chuyện. Ngoài công việc y tế của các địa phương, anh còn ghi nhiều chuyện cảm động về tình quân dân, về tình cảm đoàn kết giữa quân dân hai nước Việt - Lào, về những hành động chiến đấu anh hùng của người dân đối với giặc Mỹ xâm lược.

Nhờ thông thạo ngoại ngữ, anh đã ghi lại tất cả tin tức từ phương Tây ngày khởi đầu Chiến dịch đường 9 - Nam Lào đến lúc kết thúc. Anh gạch đậm những dòng truyền thông phương Tây bình luận: Mở đầu cuộc hành binh Lam Sơn 719 Ních xơn nói: “Quân Nam Việt Nam sẽ ở lại kiểm soát lâu dài đường mòn Hồ Chí Minh nếu bị cộng sản tấn công mạnh”. Nhưng khi thất bại rút chạy thì Ních xơn lại nói: “Vì cộng sản áp đảo nên phải rút lui sớm” (!?).

Kết thúc chiến dịch Nam Lào, Khăm Liêng ghi tóm tắt tin của hãng AFP: Tình trạng điêu đứng của quân Nam Việt Nam bị bỏ lại trở thành tuyệt vọng khi bị đánh tả tơi. Họ buộc phải chạy tháo thân về phía biên giới, bỏ lại tất cả xác chết và người bị thương. Đối phương đang giết họ như giết ruồi…

Những ngày tháng tư ở Nam Lào đã trôi qua. Lúc chia tay tôi, Khăm Liêng xúc động nói: “Cảm ơn anh, đã hết lòng vì đất nước Lào từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp đến tận bây giờ. Còn tôi thì ân hận: khi đất nước và nhân dân Lào đang chịu gian khổ, hy sinh chống lại thực dân đế quốc thì tôi đang sống no ấm, hạnh phúc với gia đình ở thủ đô Paris. Trong lúc nhân dân Lào đang chiến đấu từng giờ, từng ngày, tôi đã bỏ ra hàng năm trời để làm những bộ phim chim và cá. Mãi đến lúc giặc Mỹ cho tay sai ám sát anh trai tôi là Kinim Phônxêna - Bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ liên hiệp Lào, tôi mới nhận ra bộ mặt đê hèn tàn bạo của kẻ thù. Tôi bèn viết thư gửi Chủ tịch Xuphanuvông xin được về nước để phục vụ nhân dân và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Lào” …

Hơn 40 năm đã trôi qua. Bây giờ bác sĩ Khăm Liêng Phônxêna đã về hưu, nhưng anh vẫn còn làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, đem sức lực còn lại cuối đời để phục vụ ngành y tế của nhân dân Lào. Mỗi lần đến Lào tôi lại ghé thăm anh. Cùng ngồi bên ấm trà, chén rượu để ôn lại những ngày tháng tư năm ấy ở Nam Lào…

Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục