Từ năm 2015 đến nay, sức tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam liên tục gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do phong trào đầu tư mua xe cho thuê. Ai thuê? Xin thưa đó là đội ngũ các bác tài thuê xe để chạy Grab, Uber… Thế nhưng, chỉ hơn một năm trôi qua, không ít nhà đầu tư cho biết họ đang mắc kẹt trong bài toán kinh tế do mình đặt ra.
Hoàng kim một thời
Thời điểm cuối năm 2014, đầu năm 2015, không ít tài xế đua nhau rời taxi truyền thống để chuyển sang đầu quân cho hệ thống taxi trực tuyến, bởi chính sách ưu đãi hấp dẫn từ các tổ chức Uber, Grab… Phong trào này diễn ra ồ ạt ở TPHCM và Hà Nội, thu hút không ít đội ngũ lao động nhập cư từ các tỉnh đổ về các thành phố lớn thuê ô tô làm việc cho Grab và Uber. Thông tin từ ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), trong năm 2015, Thaco bán được 80.421 xe ô tô các loại, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, dòng xe du lịch giá bình dân bán rất mạnh như Kia (bán được 21.310 xe), Mazda (20.359 xe). Việc người dân hoặc các hãng taxi tại TPHCM mua mỗi lần từ vài chiếc tới hàng chục chiếc xe là chuyện bình thường. Theo ông Nguyễn Một, khách hàng mua xe để cho thuê hoặc để lái thuê thường lựa chọn các dòng xe 4 chỗ loại này, với mức giá từ 400 triệu - 500 triệu đồng/chiếc, vừa phù hợp túi tiền lại dễ thu hồi vốn.
Một xe taxi Uber chọn loại xe kích thước nhỏ để cung ứng dịch vụ cho khách hàng Ảnh: THÀNH TRÍ
Một trong số những người lao vào giấc mơ làm giàu trên phải kể tới anh N.T. (quê Nam Định). Vốn làm tài xế đường dài, thường xuyên vắng nhà, sau khi tham khảo ý kiến đồng nghiệp, anh đã đầu tư mua 4 chiếc xe, thuê 3 tài xế gia nhập đội ngũ lái xe trực tuyến Uber, Grab tại thị trường Hà Nội để thỉnh thoảng về thăm gia đình cho thuận tiện. Anh N.T. cho biết, hơn nửa năm đầu, việc chạy xe có thu nhập khá ngon lành. Bình quân trừ chi phí rồi, anh em lái xe cũng dằn túi được khoảng 20 triệu - 25 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi vay ngân hàng, cầm cố tài sản tổng cộng khoảng 3 tỷ đồng để mua hai xe 4 chỗ và hai xe 7 chỗ. Nhẩm tính, nếu việc chạy xe trực tuyến thuận lợi thì chẳng mấy chốc có thể làm giàu được. Càng làm càng ham, nên tôi còn rủ thêm người thân đầu tư mua xe lái thuê cho các thương hiệu trực tuyến để cải thiện thu nhập”, anh N.T. chia sẻ.
Sẵn có chiếc xe Innova 7 chỗ mới mua chỉ để đưa rước con đi học hoặc thỉnh thoảng giao dịch với đối tác, chị L.T.M. (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) quyết định hợp tác lái xe trực tuyến tại TPHCM. Thời gian đầu thấy chạy xe cũng thuận tiện, nhiều khách hàng, nên vợ chồng chị T.M. rút sổ tiết kiệm, vay thêm ngân hàng vài trăm triệu đồng để mua hai chiếc Kia Morning. Thời gian đầu, hệ thống Grab hỗ trợ người lái 40.000 đồng/chuyến, tính ra mỗi xe chạy khoảng 15 - 20 chuyến ngắn/ngày có thể đút túi khoảng 1 triệu đồng không khó. Chị T.M. cho biết: “Thu nhập từ ba chiếc xe đem lại gần 100 triệu đồng/tháng như tôi vẫn còn khiêm tốn. Một người bạn cũng đầu tư như tôi nhưng thu nhập (lái cho cả Grab lẫn Uber) lên tới 120 triệu đồng/tháng. Thu nhập ào ào thấy mê lắm…”.
Chững lại giấc mơ làm giàu
Gặp lại chị L.T.M. sau hơn một năm lái xe trực tuyến cho hai thương hiệu Uber và Grab, trông chị có vẻ mệt mỏi. Chị T.M than thở, đúng là “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, nên bây giờ giàu đâu chưa thấy nhưng nợ nần, lãi ngân hàng đến tháng phải đóng làm vợ chồng chị chóng mặt. Chị kể, từ tháng 11-2015, lái xe Uber muốn được hỗ trợ 100.000 đồng/giờ phải chạy đủ 2 chuyến/giờ. Tính ra, để nhận tiền hỗ trợ từ hãng thực không dễ, bởi đường xá Sài Gòn thường xuyên kẹt xe, chưa kể tới việc Uber đưa ra chính sách tăng giá cước từ 1,5 - 4 lần vào giờ cao điểm cũng khiến cho khách hàng đắn đo khi lựa chọn dịch vụ. Tương tự, phía Grab cũng siết ngân sách, thay đổi công thức trả thưởng, khiến các đối tác như chị T.M. không kịp trở tay. Cụ thể, từ tháng 11-2015, Grab cắt giảm tiền hỗ trợ từ 40.000 đồng/chuyến như trước đây xuống còn 20.000 đồng, nhưng phải đủ điều kiện chạy từ chuyến thứ 19 trở đi. Bên cạnh đó, Grab còn tăng giá cước vào giờ cao điểm, đồng thời tăng phí dịch vụ đối với tài xế gồm 20% cước phí mỗi chuyến và 10% phí nhận diện thương hiệu, nên thu nhập sụt giảm đáng kể, chưa bằng 40% - 50% so với trước. Anh N.T. cũng cho biết, việc đầu tư vội vàng ban đầu đã không hiệu quả. Để gỡ vốn, chị T.M và anh N.T đều chọn cách cho thuê xe dịch vụ (cưới hỏi, đi chơi lễ…), thay vì chăm chăm đầu tư cho việc hợp tác lái thuê trực tuyến như trước.
Đánh giá về việc đầu tư xe cho thuê, chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn ISM, phân tích: Kinh doanh theo phong trào ở nước ta đã quá quen thuộc. Tình trạng một bộ phận tài xế, người dân chạy theo nhau đầu tư mua xe lái thuê trực tuyến để rồi vỡ mộng cũng không có gì lạ. Các loại hình kinh doanh mới mẻ bắt đầu chào sân thường đưa ra hàng loạt ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu thị trường. Khi đi vào hoạt động ổn định, người ta có quyền chủ động cắt bớt khuyến mãi, ưu đãi vì họ nắm đằng cán. Grab, Uber là những dịch vụ trung gian, hoạt động thông qua ứng dụng trên điện thoại smartphone, giúp người dùng dễ dàng đón xe ở các vị trí thuận tiện trong mọi điều kiện thời tiết. Việc hợp tác giữa chủ phương tiện với Grab hay Uber đều mang tính chất tự nguyện, thấy thuận thảo thì hợp tác, không thì thôi. Do vậy, trước khi đầu tư thứ gì nhà đầu tư nên cân nhắc, tham khảo nhiều nguồn ý kiến khác nhau. Bởi thực tế đã chỉ ra rằng những món lợi bất ngờ dễ đến thường dễ đi.
THI HỒNG
Các tin, bài viết khác
- Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc chuyển đầu tư sang Việt Nam
- Đầu tư hạ tầng “mềm”
- Phải lấy dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ
- Viettel lãi gần 58 triệu USD từ thị trường nước ngoài
- Dòng vốn FDI vào khu công nghiệp giảm
- Quảng Nam: Khởi công siêu dự án 4 tỷ USD
- 2.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Nam Long bán 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
- 2.641 tỷ đồng xây dựng hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Viettel đầu tư 1,5 tỷ USD vào thị trường Myanmar