Những bức hình được các bạn trẻ trong nhóm Humans of Sài Gòn (HOSG) thực hiện đã đem đến cho người xem sự thích thú, tò mò, cảm phục và có cả những giọt nước mắt thông qua mỗi bức hình. Những khoảnh khắc được chụp lại và kể bằng những câu chuyện chân thực, dung dị mà không kém phần xúc động ẩn chứa nhiều nỗi niềm về cuộc sống của những con người đang mưu sinh tại TPHCM.
Cùng đi cùng trải nghiệm
Dựa trên ý tưởng của Humans of New York (Mỹ) và Humans of Hà Nội, một nhóm bạn trẻ đã quyết định thành lập nhóm Humans of Sài Gòn (HOSG). Bạn Phạm Việt Anh Minh, thành viên của nhóm, cho biết: HOSG ra đời vào tháng 6-2014, ban đầu chỉ có 4 thành viên đang học đại học. Mỗi tuần, các thành viên trong nhóm họp nhau một lần để cùng đi trải nghiệm mọi ngóc ngách của TP, tìm đến với những con người bình dị nhất mà nhóm gặp ngẫu nhiên. Về sau có thêm nhiều bạn trẻ cùng đam mê đến với nhau cùng thực hiện bộ ảnh về những con người đang sinh sống tại TP. Đến nay, nhóm đã có 20 thành viên và gần 72.000 người theo dõi trên trang fanpage.
Mỗi người có một lý do để tham gia HOSG nhưng điều mà các thành viên HOSG đều cảm nhận là công việc này giúp các bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, một cách để các bạn trang bị và hoàn thiện kỹ năng sống khi bước vào đời. Bạn Nguyễn Đình Đức Trí cho biết, tham gia dự án từ những ngày đầu vì thấy dự án nhân văn, qua đó trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân… Còn nhóm trưởng Hồng Ngọc cho rằng: “HOSG đã cho tôi rất nhiều điều bổ ích, đó là có được những người bạn, anh em cùng lý tưởng, mong muốn chia sẻ và gắn kết mọi người trong cuộc sống với nhau. HOSG còn giúp chúng tôi trưởng thành hơn, nhìn cuộc sống một cách rộng mở. Tôi hiểu được biết lắng nghe và chia sẻ cũng là cách mang lại cho mình hạnh phúc”.
2 ảnh về những người đang gắn bó với mảnh đất TPHCM trên facebook Humans of Sài Gòn
Chân thực và tự nhiên
Tất cả những hình ảnh và câu chuyện được đăng tải lên trang fanpage là cả một quá trình rong ruổi khắp TP của cả nhóm. Những nhân vật ấy đã góp phần tạo nên bức tranh đầy đủ màu sắc. Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật đều gắn liền với một kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp. Để có được những bức hình chân thực, tự nhiên, ghi lại những khoảnh khắc đời thường, các bạn trong nhóm phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức. Có khi chụp được từ xa nhưng phần lớn các bạn phải tiếp cận nhân vật, trò chuyện và xin phép họ đồng ý cho chụp ảnh. Không ít người có những câu chuyện hay, xúc động hay hoàn cảnh đặc biệt nhưng họ chưa sẵn sàng cho việc chụp ảnh nên các bạn phải tôn trọng ý kiến của họ.
Vì muốn những hình ảnh, câu chuyện của người TPHCM được đưa ra đời thực, được mọi người nhìn thấy và cảm nhận sâu hơn chứ không chỉ là những bài đăng trên mạng xã hội, nên nhóm quyết định tổ chức buổi triển lãm “Người Sài Gòn kể chuyện” với hơn 300 bức ảnh. Buổi triển lãm khép lại với nhiều dư âm đến với người xem trong và ngoài nước. Ngoài những tấm ảnh đơn và chú thích, nhóm còn làm phóng sự ảnh. Trong triển lãm “Người Sài Gòn kể chuyện”, có 3 bộ ảnh phóng sự là: “Mắt đêm” (về những đứa trẻ nhặt rác giữa đêm), “Vòng tay tự kỷ” (về những đứa trẻ tự kỷ) và “Người trong thế giới thứ 3”. Bạn Phạm Việt Anh Minh cho biết, câu chuyện “Mắt đêm” làm cho cả nhóm thao thức nhiều nhất. Trong một lần nhóm đi lạc giữa đêm vào một con hẻm ở khu vực chợ Bình Tây thì bắt gặp những đứa trẻ nhặt rác nhếch nhác dưới ánh sáng nhập nhoạng khi cư dân khu phố đã ngủ say. Lúc đó, không ai bảo ai, nhóm xách máy ra ghi lại. Bố cục, ánh sáng, thông số, chất lượng ống kính máy ảnh lúc đó dường như nhường hết lại cho cảm xúc. Những đứa trẻ nhút nhát, sau vài câu nói cụt ngủn, rụt rè đã kéo những bao rác chạy như biến vào hẻm sâu...
Còn nhiều những câu chuyện về cuộc đời đã và đang được các bạn kể lại bằng hình ảnh. Chuyện kể của người TPHCM có buồn, có vui, có những chiều lang thang phố, có những đêm bên lề đường quà vặt cùng đám bạn bè và những ngày chạy dọc bờ sông. Chuyện kể của người TPHCM là lời nhắn gửi từ thực tại và những gì mà họ đang bước tới…
Dự định trong tương lai, nhóm sẽ vẫn tiếp tục đi khắp TPHCM để lưu giữ lại những hình ảnh và lắng nghe từng câu chuyện của mọi người tại mảnh đất này. Và nhóm hy vọng sẽ ra mắt cuốn sách ảnh để có thể lưu giữ lại những câu chuyện của HOSG trong thời gian sớm nhất.
Trang Facebook HOSG của nhóm trở thành một trang xã hội - văn hóa được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội. Mỗi tấm ảnh của các bạn trên trang là một câu chuyện đời. Đặc biệt hơn, những câu chuyện kèm ảnh trên HOSG đều được dịch sang tiếng Anh. Đó có thể là câu chuyện của một bác tài xe ôm: “Chú ở Đồng Nai lên đây ở 30 năm rồi. Ừ, cuộc sống ở TPHCM đương nhiên xô bồ hơn. Chú chạy xe ôm cũng lâu lắm rồi, vui buồn gì cũng có. Nhớ có mấy lần chở khách đó con, người ta đi xe mình xong đi luôn hổng trả tiền, chở nó vô tới hẻm rồi nó lủi đi đâu mất tiêu. Thôi thì mình cũng lủi về kiếm cuốc khác vớt lại chứ biết sao giờ”. |
THÀNH SƠN