Chia sẻ rõ hơn về những điểm yếu trong việc sản xuất phim, lãnh đạo Cục Điện ảnh chỉ rõ, phim do doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam sản xuất có vốn đầu tư chỉ từ 5 đến 30 tỷ đồng/phim, trong khi trung bình các nhà sản xuất phim trên thế giới thường đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng để sản xuất và quảng bá, làm truyền thông. So với phim được sản xuất bởi các hãng sản xuất nước ngoài, phim Việt Nam còn nhiều hạn chế về nội dung, kỹ thuật nên thị trường phân phối phim vẫn chủ yếu là trong nước. Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có của các đơn vị sản xuất phim đa số xuống cấp, lạc hậu, ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy khả năng nguồn nhân lực điện ảnh để phát triển ngành.
Việc sản xuất phim hiện nay phần lớn nằm trong tay doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước đầu tư kinh phí nhỏ giọt, dẫn đến tình trạng phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng và yếu về chất lượng. Một hãng phim do Nhà nước quản lý hoặc nắm giữ cổ phần, trung bình vài năm mới sản xuất được một bộ phim, lọt thỏm trong “cơn bão” phim ngoại nhập. Một số phim do có chất lượng không tốt nên hệ thống rạp chiếu không nhận phát hành, đành “xếp kho”. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm.
Dưới một góc nhìn khác, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng chỉ rõ, trong 7 năm qua, thành tựu trong lĩnh vực phổ biến phát hành phim là nở rộ các cụm rạp hiện đại, với hơn 200 phòng chiếu ở khắp các tỉnh, thành phố lớn, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài. Bà cho rằng, tầm nhìn trong 9 năm tới là đến năm 2030 “phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực”, là những mục tiêu cực kỳ… lãng mạn.
Hiện tại, có thể nói, chính sách về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động điện ảnh chưa thu hút được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Bên cạnh đó, đầu tư cho sản xuất phim với mức kinh phí còn thấp, việc sản xuất phim hiện nay phần lớn do doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Việc quảng bá, truyền thông thu hút đầu tư cho sản xuất phim chưa hiệu quả… Theo nhận định của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, điện ảnh Việt Nam thiếu đội ngũ nhân lực có khả năng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng đột phá, có tiếng vang trên trường quốc tế do công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đồng bộ cho nguồn nhân lực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra...
Thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, rõ ràng không phải là câu chuyện dễ dàng.