Ở Thụy Sĩ, giữa tuần vừa qua, một số tiệm nail của người gốc Việt đã bắt đầu đón khách trở lại. Vừa là thợ chính vừa kiêm quản lý một tiệm nail ở Lucerne, chị Hương Giang cho biết: “Mình vừa đi làm trở lại, đeo khẩu trang và găng tay suốt đấy. Cũng lo lắm. Di chuyển tàu xe công cộng, làm sao tránh khỏi va chạm. Chắc chỉ có ở yên trong nhà mới an toàn. Nhưng sau gần 2 tháng cấm túc, ai cũng có nhu cầu đi làm lại. Tiệm nail nào cũng phải sắm đủ mọi thứ cần thiết để bảo vệ nhân viên và giữ gìn vệ sinh cho khách. Nước xịt rửa tay đặt ngay ở cửa. Nhân viên đeo kính và khẩu trang, các quầy dựng kính chắn. Tối đa mỗi tiệm chỉ 5 người một lúc, bao gồm cả chủ. Cảnh sát và nhân viên dịch tễ đi kiểm tra khá thường xuyên”.
Trong cái rủi có cái may, anh Thanh Hòa ở Czech, kinh doanh siêu thị nhỏ ngay tại nhà, kể: “Ở đây quy định nghiêm ngặt lắm. Tỷ lệ khách tối thiểu 10m2/người. Tức cửa hàng nhà tôi cùng lúc chỉ được đón tối đa 5 khách. Nói chung họ không quy định thì mình cũng chủ động lau chùi vệ sinh, đặc biệt là lau quầy tính tiền suốt ngày. Vợ tôi còn ngồi kì cạch may khẩu trang để ở quầy hàng tặng khách”.
Đại dịch tác động tâm lý khách hàng theo từng giai đoạn. Thời kỳ tích trữ giấy vệ sinh, sữa và các loại bột để làm bánh, khoai tây, đồ đông lạnh đã tạm qua. Giờ đây người châu Âu chuyển sang giai đoạn dọn dẹp: mua nhiều dung dịch lau rửa nhà cửa, vệ sinh đồ dùng, sắm đồ làm vườn... Khách hàng ngại vào những siêu thị, cửa hàng lớn không có nhân viên trực sẵn ở cửa để lau xe hoặc xịt thuốc khử trùng giỏ mua hàng. Những siêu thị mini đang phát huy được lợi thế bởi có quy chế chăm sóc khách đảm bảo hơn, không gian thưa vắng hơn.
“Không những xịt thuốc, tôi còn cho các giỏ mua hàng nhỏ vào máy rửa bát to, sục ở chế độ 90 độ C”, chị Nguyễn Thị Minh Thu tại Bỉ chia sẻ. Chị cũng cho biết thêm: “Đầu vào và đầu ra các xe đẩy đều được lau xịt tay cầm. Tôi quan niệm nếu để khách bị lây nhiễm thì chính mình cũng chẳng tránh được dịch bệnh”. Chị Thu mua lại siêu thị mini của một cặp vợ chồng người Bỉ ở Zonhoven và khai trương từ ngày 18-2-2020, chỉ nửa tháng trước đại dịch Covid-19 hoành hành châu Âu. Chủ siêu thị gốc Việt này đã sớm đặt các tấm nhựa cứng ngăn ngừa lây nhiễm trước quầy tính tiền (khoảng 80 EUR/tấm), trang bị cả tăm loại to phát cho từng khách ấn mã thẻ khi trả tiền. Tuân thủ quy định cửa hàng 400m2 chỉ đón tối đa 30 - 35 khách cùng lúc, các tấm biển lưu ý giữ khoảng cách 1,5m cũng được chị Thu cho dán ngay dưới lối đi giữa các quầy hàng.
Bỉ có tỷ lệ dân số già cao, đang bị tổn thương khá nặng nề trong đại dịch Covid-19. Mỗi khi thấy khách hàng cao tuổi bước vào, chị Minh Thu lại chủ động hỏi nếu cần giúp đỡ gì chị sẽ liên lạc với đội tình nguyện viên của Zonhoven. “Siêu thị của mình xây dựng theo mô hình gia đình nên tôi rất vui vì chăm chút được cho khách hơn. Tôi cũng chủ động nhập nhiều rau củ quả tươi, đảm bảo cho sức khỏe. Ở đây, chúng tôi đang giữ khoảng cách khi tiếp xúc nhưng lại thấy gần gũi hơn về tình cảm”, chị Minh Thu cho biết.