Nông dân, người trồng hoa và bán sản phẩm bio, người làm bánh, nghệ nhân... trở thành đối tượng đầu tiên được quan tâm, giúp đỡ để vực dậy không chỉ kinh tế mà cả đời sống tinh thần trong khi thế giới còn loay hoay chưa tìm ra vaccine chống virus SARS-CoV-2.
Khu bể bơi gần nhà tôi ở Rotselaar chưa mở cửa trở lại. Bao tháng nay mặt nước không xáo động, việc kinh doanh đình trệ. Nhưng người chủ kinh doanh ngành này vẫn dành địa điểm đẹp nhất cho đặt những tấm biển “Hãy mua hàng địa phương” như thế. Và tiếp theo “Hãy mua hàng địa phương” là “Hãy ăn ở nhà hàng địa phương”, “Hãy mua các phiếu quà tặng sản phẩm ở địa phương”...
Tại thành phố Ghent của Bỉ, các nhà kinh doanh nhỏ lẻ có khẩu hiệu: Mua bằng trái tim nhưng cũng bằng cả sự hiểu biết. Ý nói cần giữ nguyên tắc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang... khi đi mua sắm. Thôi thì người bán và người mua giúp đỡ lẫn nhau, đảm bảo an toàn cả kinh tế lẫn sức khỏe cho nhau. Biết bao niềm vui nho nhỏ đến từ bầu không khí chia sẻ, thấu hiểu, giúp nhau vượt qua cuộc khủng hoảng này. Chúng ta biết rõ xuất xứ sản phẩm. Chúng ta không chỉ đầu tư vào địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, mà còn tăng cơ hội việc làm và giúp bảo vệ môi trường, giảm bớt di chuyển. Và điều này còn đồng nghĩa, khi bước chân ra khỏi nhà, chúng ta sẽ bắt gặp không khí hồi sinh với những gương mặt hạnh phúc, tươi cười quanh mình.
Đây cũng là lúc các hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (ví như Unizo) đứng ra làm cầu nối, giúp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm quốc nội. Người ở Antwerp đang có trong tay cả danh sách những doanh nghiệp, dịch vụ được Unizo đưa lên trang web kêu gọi lưu tâm đặc biệt. Danh sách này là các cửa hàng, sản phẩm bán qua mạng, là các văn phòng thiết kế - tổ chức sự kiện, địa chỉ chuyên gia tâm lý, những người làm nghề tự do, công nhân xây dựng, rồi các xưởng sửa xe, người làm vườn... cũng đang rất cần khách lúc này. Các báo giấy và trang web chính quyền địa phương chủ động dành đất cho in logo hoặc đường link tải mẫu quảng cáo của phong trào này để người đọc có thể cắt, in rồi dán lên cửa sổ, treo trước cổng, đính trên hàng rào... nếu muốn giúp quảng bá thông tin ủng hộ hàng hóa, dịch vụ cho vùng.
Từ ngày 10-6 tới nay đã có khoảng 1.500 người thuộc giới tạo mốt, nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ, nhà văn, người thiết kế trò chơi cũng như thuộc các ngành nghề sáng tạo khác đã tham gia một phần mềm kết nối mang tên “Ik koop Belgisch”. Người tiêu dùng có thể qua giao diện này kết nối trực tiếp với nghệ sĩ, nhà thiết kế, người sáng tạo thương hiệu... để sử dụng dịch vụ hoặc mua sản phẩm. Đại sứ danh dự của phong trào này là Elodie Ouédraogo - cựu vận động viên điền kinh nổi tiếng của Bỉ, từng giành huy chương vàng Olympic.
Tại Maastricht (Hà Lan), doanh nghiệp chỉ cần đăng ký lên trang web “Koop lokaal”. Trong vòng 48 giờ, các tình nguyện viên của phong trào này sẽ hoàn tất phần thiết kế, trình bày thông tin và chia sẻ sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp cũng như giúp mời gọi người mua, người sử dụng.
T. Quỳnh, một người gốc Việt kinh doanh nhà hàng ở Đan Mạch kể giai đoạn phải đóng cửa do Covid-19, nhà hàng của cô trung bình lỗ khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng/tháng (riêng tiền mặt bằng đã lỗ khoảng 300 triệu đồng/tháng). Nay bắt đầu được mở cửa trở lại, tiền lỗ giảm một nửa. Cũng mong phong trào Hãy mua hàng địa phương đẩy mạnh ở Đan Mạch, có thêm nhiều người bản xứ đến ăn món Việt ở nhà hàng của Quỳnh để sớm vượt qua khủng hoảng.