Phà - chiến lược phát triển vận tải đường thủy

Mối quan tâm ngày càng tăng đối với vận tải đường thủy đang thúc đẩy các loại hình dịch vụ phà và sự phát triển giao thông đường thủy ở một số thành phố ven biển nước Mỹ.

Việc đi lại bằng đường thủy ngày càng được quan tâm đã trở thành chất xúc tác cho sự phát triển đảo Treasure ở San Francisco. Ảnh: NEW YORK TIMES
Việc đi lại bằng đường thủy ngày càng được quan tâm đã trở thành chất xúc tác cho sự phát triển đảo Treasure ở San Francisco. Ảnh: NEW YORK TIMES

Bến phà cao tốc Bremerton mới ở thành phố Bremerton, thuộc bang Washington, đưa khách đến trung tâm thành phố Seattle chỉ trong 30 phút, so với dịch vụ phà cũ trước đây phải mất 1 giờ. Gần đó có khu Marina Square với 270 căn hộ, công viên bờ sông, nhà hàng và chợ. Một mô hình phức hợp cũng đã được lên kế hoạch, bao gồm các studio và các dãy phòng lưu trú kéo dài được trang bị đầy đủ tiện nghi dành cho công nhân của căn cứ hải quân Kitsap, nơi sử dụng lao động lớn nhất khu vực, cách đó 4 dãy nhà. Trong 7 năm qua, ở khu vực này đã mở 3 tuyến phà nhanh dành riêng cho hành khách đến Seattle, có thể chở từ 120 đến 350 người. Hoạt động này đã đưa đón hơn một triệu hành khách trong năm 2023, tăng 37% so với năm trước.

Quận Carteret ở bang New Jersey gần đây đã phê duyệt một dự án trị giá 1 tỷ USD, bao gồm Carteret Stages, một xưởng sản xuất phim và sản phẩm truyền hình 15 tầng, khách sạn, gian hàng bán lẻ và nhà hàng, được xây dựng trên địa điểm DuPont Chemical trước đây đã bị bỏ trống gần 60 năm. Địa điểm này cũng sẽ bao gồm một bến phà cung cấp dịch vụ 20 phút đến Manhattan, kết nối 21 cầu tàu và cung cấp khoảng 4,6 triệu lượt chuyến phà/năm qua 6 trục đường kết nối giữa trung tâm kinh tế, thương mại Manhattan và các khu vực Brooklyn, The Bronx, Queens và đảo Staten. Carteret không có ga đường sắt, các đường cao tốc địa phương luôn quá tải giao thông. Do đó, một chiếc phà, dự kiến ​​sẽ hoạt động vào năm tới, sẽ là phương thức vận chuyển thay thế rất cần thiết đến thành phố New York.

Dịch vụ phà cũng là trọng tâm cho sự phát triển của một cộng đồng mới ở đảo Treasure - hòn đảo nhân tạo nằm bên bờ vịnh của thành phố San Francisco. Đó là một khu dân cư mới với không gian thương mại, bán lẻ, có công viên và 8.000 căn hộ đang định hình, ước tính chỉ mất 10 phút đi phà để vào trung tâm thành phố. Mùa hè năm ngoái, hệ thống phà bang Washington cũng đã mở lại bến phà chính ở thành phố Seattle sau đợt cải tạo trị giá 467 triệu USD, để có thể kết nối lại trung tâm thành phố với vịnh Puget Sound. Chính quyền thành phố này cũng đang hướng tới xây dựng một đội phà điện không phát thải vào năm 2050. Năm ngoái, dịch vụ phà mới ở thành phố Lynn thuộc bang Massachusett cũng làm ăn khấm khá khi một công ty phát triển mua một khu đất liền kề bị bỏ trống trong 40 năm và xây dựng thành khu phức hợp Breakwater North Harbor với 331 căn hộ. Từ khu phức hợp này, chỉ mất 2 phút đi phà để vào trung tâm thành phố Boston.

Có thể thấy, người Mỹ đang sử dụng đường thủy không chỉ như một phần trong lộ trình đi lại mà còn như một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ. Chính quyền các thành phố ven biển đã và đang tích cực triển khai các chiến lược hợp tác với cộng đồng địa phương và các nhà đầu tư để sử dụng phà như một tuyến liên kết trung chuyển còn thiếu. Đồng thời, tạo cơ hội phát triển đường thủy, giải quyết thách thức xã hội như ùn tắc giao thông, kinh tế và môi trường, kết nối cộng đồng, đáp ứng các mục tiêu phát triển nhà ở và thương mại.

Tin cùng chuyên mục