Những ván bài lật ngửa

Những ván bài lật ngửa

Bộ tiểu thuyết Ván bài lật ngửa cho nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (tức Trần Bạch Đằng) đã được dựng thành phim, từ lâu trở thành một trong những tác phẩm văn học - điện ảnh tiêu biểu về người chiến sĩ tình báo cách mạng. Tác phẩm được hư cấu trên những tình tiết có thật về đại tá Phạm Ngọc Thảo (tức anh Chín T. mà đầu sách tác giả đã trân trọng ghi: Tưởng nhớ anh Chín T. và các đồng chí đã hy sinh thầm lặng) qua nhân vật chính Nguyễn Thành Luân với những pha đấu trí căng thẳng.

Trên hết là sự tự tin, vững vàng và sắc sảo của nhà tình báo cách mạng trong từng chi tiết. Độc giả hồi hộp ngay từ khi nhân vật chính chuẩn bị “về thành” khi phải đối phó với tay chân của Mai Hữu Xuân, Trần Kim Tuyến và của chế độ Ngô Đình. Nguyễn Thành Luân đã bình tĩnh vượt qua từng cạm bẫy rồi dần dần lọt vào bộ máy tham mưu của chế độ, được điều đi Bình Dương truy quét bọn cướp ngày, mượn danh là “cộng sản”, thực ra là đám biệt kích, sau đó đi Kiến Hòa làm tỉnh trưởng.

Hai lần bị thương hút chết, cả hai lần đều vượt qua nhưng cuối cùng tung tích vẫn được giữ kín. Độc giả tiếp tục say sưa với mối tình “bất đắc dĩ” của chàng kỵ sĩ Thành Luân và nàng mimosa Thùy Dung trước những rình rập của kẻ thù. Gần cuối bộ tiểu thuyết, khi anh em Diệm - Nhu bị giết, Nguyễn Thành Luân lặng lẽ mang hoa viếng, bất chấp sự theo dõi, đe dọa của những người tự gọi là “cách mạng”. Tất cả những điều đó toát lên cốt cách tuyệt vời - vừa can đảm, mưu trí vừa giàu tình cảm - tính cách điển hình của một người chiến sĩ cách mạng, dù làm việc trong cơ quan đầu não của địch, phải tiếp xúc với những thủ đoạn lọc lừa, những con người gian xảo, tham lam… nhưng vẫn giữ được mình.

Đọc Ván bài lật ngửa đã giúp tôi hiểu rõ hơn về người chiến sĩ cộng sản, nhất là những người phải đấu tranh thầm lặng trên mặt trận tình báo, khiến tôi có tình cảm sâu sắc và kính trọng họ hơn.

Đọc Ván bài lật ngửa, tôi cũng học cách nhớ về nguồn cội, nhớ về công lao  của các thế hệ chiến sĩ cộng sản trong suốt mấy mươi năm giữ nước và xa hơn là bao thế hệ tiền nhân đã hy sinh trong suốt chiều dài lịch sử.

NGUYỄN MINH HẢI
(51/2 Phan Tây Hồ, P7, Phú Nhuận)

Tin cùng chuyên mục