Người phụ nữ với gương mặt hốc hác, dẫn theo đứa con nhỏ bước vào phòng tiếp bạn đọc của Báo SGGP chìa ra một xấp đơn kêu cứu. Chị than: “Nhà nghèo, xin được việc làm là mừng lắm nhưng làm mấy tháng mà họ cứ nợ lương hoài”. Cuối cùng chị và nhiều đồng nghiệp đã phải xin nghỉ việc nhưng lương vẫn không được lãnh đủ.
Thừa nợ
Đó là chị T.H.N., nhà ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM. Thất nghiệp, nghe có người giới thiệu, tháng 11-2011 chị nộp đơn vào làm hộ lý tại Công ty CP Bệnh viện Đa khoa An Phước (gọi tắt là BV An Phước, tại 171/3 đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12).
“Người ta nói mới vô phải làm thử việc, lương 2 triệu đồng/tháng, tôi thấy cũng được nên cố gắng làm, nhưng… tháng đầu thử việc, tôi nhận được 1,6 triệu đồng, bị giữ lại 20%. Cày cục làm việc, trực thêm giờ, lương những tháng sau có khá hơn, khoảng 2,5-2,6 triệu đồng/tháng, nhưng đến tháng 3-2012 bệnh viện không có tiền trả lương, tôi chỉ được nhận 400.000 đồng và tháng 4-2012 không có lương”.
Nhiều lần hỏi chuyện lương, bệnh viện khất lần khất hồi, thấy không êm, chị làm đơn xin nghỉ việc. “Trước khi xin nghỉ, nói mãi người ta mới cấp cho tôi bản đối chiếu nợ lương, còn bản hợp đồng thử việc cũng không có” - chị N. cho biết.
Khác với chị N., bác sĩ N.T.L.T., nhà ở phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM, đến với BV An Phước qua con đường tìm việc qua mạng. Là bác sĩ, lương thử việc tháng đầu của chị là 4 triệu đồng và lương chính thức 5 triệu đồng/tháng. Vào làm từ ngày 2-4-2012 nhưng đến ngày 18-5-2012 bác sĩ L.T. đã làm đơn xin nghỉ việc do không nhận được đồng lương nào.
Theo đơn trình bày của chị gửi đến Báo SGGP, sau khi chị xin nghỉ việc, bệnh viện vẫn còn nợ chị 11 triệu đồng (gồm lương và các khoản tiền trực thêm). Tương tự, bác sĩ N.V.K., nhà ở huyện Hóc Môn, TPHCM, cho biết, do người quen giới thiệu, anh chuyển qua làm việc tại BV An Phước từ cuối năm 2011 với mức lương được hứa hẹn là 10 triệu đồng/tháng.
Lúc đầu anh được phân công làm việc ở khoa Chấn thương chỉnh hình, sau lên làm trưởng khoa. Mấy tháng đầu anh lãnh khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, nhưng những tháng sau bệnh viện lại nợ lương, đến tháng 4-2012 anh xin nghỉ việc và bệnh viện vẫn còn nợ anh khoảng 14-15 triệu đồng. “Bệnh viện khó khăn, thiếu lương, tôi cũng chia sẻ, nhưng làm việc mà cái gì cũng thiếu, không có nhân viên X quang, tài xế xe cấp cứu cũng xin nghỉ… nên nhiều người nản, đi kiếm việc nơi khác” - anh nói.
Thiếu trách nhiệm
Tiếp chúng tôi, bác sĩ Lê Thành Dũng, Phó Giám đốc BV An Phước, cho biết ông chỉ phụ trách công tác chuyên môn, không có chức năng trả lời báo chí. Nói chuyện “ngoài lề”, ông cũng thừa nhận có chuyện nợ lương và nhiều anh em đã làm đơn xin nghỉ việc.
Ông nói: “Bệnh viện mới hoạt động, còn nhiều khó khăn nên ban giám đốc động viên anh em cố gắng chia sẻ, bám trụ, nhưng anh em xin nghỉ thì cũng đành chịu”. Cũng theo lời ông, bệnh viện đã có trao đổi với những người xin nghỉ việc, có xin lỗi và hứa sẽ trả lương khi… bệnh viện cải thiện được nguồn thu.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang bệnh viện, ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BV Đa khoa An Phước, quanh co hẹn: “Sẽ tiếp vào buổi khác khi báo có công văn cho bệnh viện. Anh em có khiếu nại thắc mắc gì thì phải làm đơn gửi công đoàn rồi công đoàn mới chuyển cho lãnh đạo, chúng tôi mới kiểm chứng xem bệnh viện thiếu cái gì, cái gì anh em chưa làm xong, đằng này…”.
Theo thông tin từ một cán bộ có chức năng của Phòng Quản lý dịch vụ (Sở Y tế TPHCM), BV An Phước mới được Bộ Y tế cấp phép tạm để hoạt động, còn những khiếu nại, thắc mắc của người lao động thì nơi đây chưa nhận được thông tin hay chỉ đạo gì để vào cuộc.
Thực ra, trong tình hình khó khăn hiện nay, việc nợ lương không phải là chuyện cá biệt của BV An Phước. Người lao động không nhận được lương, phải gửi đơn khiếu nại là yêu cầu chính đáng của họ. Vấn đề là lãnh đạo bệnh viện trả lời quanh co, thiếu minh bạch khiến người lao động ngờ vực, bức xúc…
Cát Tường