Nỗi khổ mang tên “tự nguyện”

Buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, như một quy ước đã trở thành bắt buộc, mỗi năm đến hẹn lại lên đối với học sinh tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước đã diễn ra trong không khí “nhà nhà phản ảnh lạm thu, trường trường chạy đua thành tích”. Bất chấp hàng loạt văn bản chỉ đạo chống lạm thu, quy định mức trần thu xã hội hóa từ các cấp lãnh đạo trung ương đến địa phương, vẫn có không ít trường đẻ ra những khoản thu vô lý.

Buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, như một quy ước đã trở thành bắt buộc, mỗi năm đến hẹn lại lên đối với học sinh tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT trên cả nước đã diễn ra trong không khí “nhà nhà phản ảnh lạm thu, trường trường chạy đua thành tích”. Bất chấp hàng loạt văn bản chỉ đạo chống lạm thu, quy định mức trần thu xã hội hóa từ các cấp lãnh đạo trung ương đến địa phương, vẫn có không ít trường đẻ ra những khoản thu vô lý.

Đơn cử như trường hợp một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, để hợp thức hóa tiền công trả thêm cho bảo mẫu, trường này đã khai sinh ra khoản thu “kể chuyện và gãi lưng cho học sinh vào giờ ngủ trưa” là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Hay như một trường THCS khác ở quận 3, học sinh được giao cho đặc quyền lên thực đơn, chọn thực phẩm cho ngày học hôm sau, đổi lại phụ huynh phải đóng thêm 300.000 đồng/học sinh/tháng (ngoài tiền ăn bán trú theo quy định chung hàng tháng).

Và hàng loạt khoản phí “trời ơi” khác khiến phụ huynh phải cười ra nước mắt là tiền mua giấy bao vở (nhà trường quy định chi tiết đến từng màu giấy, kiểu giấy bao vở ghi chép của từng môn học, phụ huynh muốn khỏi mất thời gian cứ đóng tiền cho giáo viên bao một lần cho tiện), tiền mua sách giáo khoa có đóng dấu riêng của nhà trường (học sinh mua sách bên ngoài không sử dụng được do thiếu con dấu)… Điều đáng nói là tất cả những khoản thu kể trên đều “núp” dưới danh nghĩa tự nguyện. Nói như bộc bạch của một phụ huynh có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh: “Tự nguyện có nghĩa là không bắt buộc. Nhưng nếu không làm theo, con mình sẽ chịu thiệt thòi. Đằng nào nhà trường cũng nắm đằng cán, phụ huynh không thể không tuân theo”.

Đau đầu vì nỗi khổ lạm thu chưa hết, phụ huynh hiện nay còn đứng trước ma trận các chương trình thí điểm. Nào là thử nghiệm chương trình giáo án điện tử với bảng tương tác, nào là thay đổi bộ sách chương trình Anh ngữ, nào là bút điện tử, bảng cảm ứng điện từ… Cái nào cũng mang tiếng tự nguyện, nhà trường không bắt buộc. Hỏi về chất lượng thì chưa một cơ quan nào dám đứng ra bảo đảm. Lãnh đạo Sở GD-ĐT giao quyền tự quyết xuống các trường, trường “đá” quyền lựa chọn qua phụ huynh. Ngặt một nỗi, “chúng tôi không phải người trong ngành, nghe bảo cái gì tốt cho con mình thì làm theo. Cái gì cũng nói là tự nguyện rồi đổ hết cho phụ huynh. Vậy xin hỏi vai trò gác cửa, thẩm định chất lượng của các cơ quan giáo dục ở đâu? Học sinh cũng là con người chứ đâu phải cỗ máy thí nghiệm”, một phụ huynh có con học tiểu học ở quận 5 bức xúc bày tỏ. Mang tiếng là tự nguyện nhưng “hơn nửa lớp đồng ý, mình không thể không theo”, “không đóng không lẽ con mình phải chuyển lớp”, “cô phát sẵn mẫu đơn đăng ký các khoản đóng rồi, phụ huynh chỉ còn biết ký tên chứ làm gì hơn”. Thế mới biết hai chữ tự nguyện hiện nay trong nhà trường phổ thông có ma lực ghê gớm đến dường nào.

Thiệt thòi sau cùng vẫn thuộc về học sinh. Một khi đã bị thầy, cô nhắc nhở, ngày nào đi học về các em cũng nhắc ba mẹ nộp tiền. Gia đình nào chưa đủ tiền đóng, y như rằng các em sẽ mang mặc cảm tự ti với bạn bè, sợ tiếp xúc với thầy, cô giáo dù rằng lỗi không thuộc về các em. Và cái khổ chung quy cũng từ thói a dua, chạy đua thành tích của người lớn mà thành.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục