Gần 2 tháng đầu năm 2014, trên địa bàn TPHCM xảy ra 61 vụ cháy làm 3 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng. Thành phố đang bước vào cao điểm mùa khô, dư luận đang rất lo ngại số vụ cháy, cháy lớn xảy ra và thiệt hại sẽ không dừng lại ở những con số trên.
PV Báo SGGP đã ghi nhận thực tế ở nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trường học, chợ, trung tâm dịch vụ, bệnh viện… trên địa bàn thành phố và nhận thấy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại nhiều nơi còn rất lơ là.
Nguy cơ cháy cao
10 giờ trưa ngày 20-2, các quầy hàng tại chợ Nhị Thiên Đường nằm trên đường Hoàng Minh Đạo (phường 5, quận 8) đông người mua sắm. Không chỉ những thanh niên khuân vác hàng, một số phụ nữ bán hàng cũng vô tư phì phèo thuốc lá và vứt tàn thuốc xuống ngay dưới những giường hàng có giấy báo, bao bì. Cạnh đó, nhiều người khác sử dụng bếp gas chiên lạp xưởng, bò viên sát những kệ hàng vật liệu dễ cháy như vải, gối, chăn bông… Nguy cơ cháy nổ ở chợ Nhị Thiên Đường báo động như thế, nhưng ban quản lý chợ lại xem nhẹ nguy hiểm, không lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động, không trang bị hệ thống chữa cháy trong nhà… Tương tự, tại Co.opMart Tuy Lý Vương (phường 13, quận 8), mỗi ngày có hàng trăm lượt khách hàng vào ra mua sắm, giao dịch nhưng lối thoát nạn của siêu thị luôn bị bít kín bởi hàng hóa. Nếu xảy ra sự cố, việc ứng cứu, chữa cháy của cảnh sát, cũng như việc thoát nạn của người dân sẽ rất khó khăn, hậu quả rất khó lường. Ở các khu mua bán - thương mại là vậy, còn tại các bệnh viện, khách sạn, nguy cơ cháy cũng đang báo động không kém. Điển hình như khách sạn Equatorial (quận 5), việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt rất hời hợt, bếp ăn không tuân thủ các quy định về PCCC. Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5), Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 vừa lập biên bản, xử lý hàng loạt các lỗi vi phạm không đảm bảo các quy định về an toàn PCCC như chưa lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy trong nhà, lực lượng và phương tiện chữa cháy thiếu và yếu về nghiệp vụ…
Nguy cơ cháy trong mùa khô còn đáng báo động hơn tại các cánh rừng, những bãi cỏ khô trong các khu dân cư. Do thiếu cảnh giác, không nắm rõ các quy định về phòng cháy rừng, vào mỗi buổi chiều, dọc tuyến đường vào Trường cai nghiện Nhị Xuân (Hóc Môn) rất nhiều thanh niên tụ tập đốt củi, lá cây cạnh những cánh rừng tràm để nướng thịt nhậu. Tình trạng này diễn ra thường xuyên nhưng hiếm khi thấy địa phương, lực lượng chức năng theo dõi, nhắc nhở hoặc có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Quyết liệt kiểm tra, xử lý
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, cho biết mùa khô là mùa phải đối diện với nguy cơ cháy cao nên ngay từ trước Tết Nguyên đán 2014, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các phòng cảnh sát PCCC nghiệp vụ trực thuộc tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, siêu thị, trung tâm thương mại - dịch vụ, bệnh viện, khu vui chơi - giải trí… Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe. Kết quả trong tháng 2-2014, sở đã kiểm tra an toàn PCCC 4.609 lượt cơ sở, lập 179 biên bản vi phạm, phạt tiền 175 vụ. Tuy vậy, thực tế các trường hợp vi phạm vẫn còn, do đó công tác kiểm tra các vi phạm về an toàn PCCC trong mùa khô đang được sở thực hiện quyết liệt. Để xảy ra cháy nổ có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Hai nguyên nhân này đều xuất phát từ ý thức của người dân. Để tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này, Sở Cảnh sát PCCC chú trọng đẩy mạnh việc phát sóng “Chương trình toàn dân PCCC” và “Chương trình hồ sơ 114” để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về an toàn PCCC. Ngoài ra, để công tác PCCC được hiệu quả hơn, Sở Cảnh sát PCCC phối hợp với các đơn vị lắp đặt thêm 800 trụ nước chữa cháy.
Trong khi đó, UBND các quận, huyện cho biết đang rà soát lại các khu vực, cơ sở, địa điểm có nguy cơ cháy cao để có biện pháp, giải pháp xử lý, phòng ngừa thích hợp, hiệu quả. Thượng tá Trần Lương Anh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận 8, cho rằng để việc phòng cháy được hiệu quả, chính quyền, ngành chức năng cần xác định được các nguyên nhân chính, từ đó có biện pháp tháo gỡ phù hợp. Tại quận 8, qua theo dõi, phòng đang yêu cầu người đứng đầu các cơ sở phải tập trung xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ, đầu tư trang thiết bị PCCC, tăng cường kiểm tra vào ban đêm nhằm ngăn ngừa cháy nổ hoặc dập tắt cháy kịp thời khi chẳng may hỏa hoạn xảy ra.
PHẠM MINH