Theo đó, giáo sư Peter Varghese, Hiệu trưởng Đại học Queensland, cho rằng, việc duy trì phương thức học tập này trong dài hạn, thay vì sớm trở lại hoạt động dạy học trực tiếp, sẽ cho thấy những thiếu sót và hạn chế. Vì sinh viên quốc tế chọn Australia để được hưởng chế độ giáo dục tốt nhất tại các trường đại học và trung tâm giáo dục hàng đầu, được thực hành, nâng cao trình độ tiếng Anh, trải nghiệm văn hóa, được đi làm với mức tiền công hợp lý đủ để bù đắp được một số chi phí nhất định trong quá trình học và sinh sống…
Ước tính, khoảng 10% trong số 600.000 sinh viên quốc tế đang theo học tại Australia đã bị kẹt ở nước ngoài và có khả năng không thể quay trở lại vào tháng 7 để bắt đầu học kỳ tiếp theo, nếu chính phủ nước này tiếp tục duy trì lệnh đóng cửa biên giới. Ngoài ra, du học sinh cũng đã tỏ ra thất vọng vì các trường đại học đã chuyển sang đào tạo trực tuyến, cho dù với lý do đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành Hiệp hội Giáo dục quốc tế Australia Phil Honeywood thừa nhận, sự thiếu vắng sinh viên quốc tế khiến cho giáo dục - ngành kinh tế lớn thứ 4 của nước này bị khủng hoảng nghiêm trọng. Dự kiến, nếu sinh viên quốc tế không sớm quay trở lại thì trong vòng 6 tháng tới, 21.000 người làm việc tại các trường đại học Australia sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và con số đó tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhiều trường buộc phải trả lại tiền nội trú, tiền ăn đã thu do lo lắng tuyển sinh sụt giảm. Theo Hội đồng Giáo dục Mỹ, nước này có khoảng 4.000 cơ sở giáo dục đại học với 20 triệu sinh viên, năm 2016-2017, các trường đạt doanh thu khoảng 650 triệu USD. Tuy nhiên, báo New York Times mới đây dẫn nội dung bức thư do Hội đồng Giáo dục Mỹ gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, dự đoán tuyển sinh đại học năm tới sẽ giảm 15%, tương đương thất thu 23 triệu USD, trong đó số lượng sinh viên quốc tế giảm 25%.
Dịch Covid-19 hiện cũng đang đe dọa một trong những động lực chính đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Canada trong dài hạn, đó là nguồn sinh viên nước ngoài. Canada là một trong những quốc gia thu hút nhiều du học sinh quốc tế từ các nước châu Á. Tính đến cuối năm 2019, có hơn 642.000 du học sinh nước ngoài đang theo học tại Canada, trong đó sinh viên Ấn Độ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Theo thống kê của Chính phủ Canada, hàng năm du học sinh quốc tế đóng góp 21 tỷ CAD (khoảng hơn 15 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này. Như đánh giá của ông Joseph Wong, Phó hiệu trưởng Đại học Toronto, thị trường lao động lành nghề của Canada phụ thuộc vào những tài năng quốc tế đang được đào tạo tại đây. Với chính sách mở cửa của Thủ tướng Justin Trudeau, năm 2019, Canada đã nhận 488.000 người từ nước ngoài, khiến dân số tăng với tốc độ mạnh nhất trong 3 thập niên. Đối với nền kinh tế Canada, đây là một yếu tố quan trọng. Mặc dù các cơ quan chức năng Canada đã tính tới khả năng này, song việc gián đoạn luồng du học sinh quốc tế có thể trở thành nỗi lo lớn đối với nền kinh tế và tình hình hoàn toàn phụ thuộc vào việc khi nào Canada kiểm soát được dịch Covid-19.