Nơi vẫn đợi ta về

Nơi vẫn đợi ta về

Hà Tây có khoảng 1.500 ngôi làng nhưng chỉ còn hơn 100 làng còn cổng làng. Trong số 100 cổng làng ấy chỉ có 84 cổng có ảnh chụp.

Nơi vẫn đợi ta về ảnh 1
Cổng làng cổ Đường Lâm. Ảnh: An Dung

Trải bao biến động thăng trầm, đến nay năm tháng thời gian có lẽ cũng đủ cho chúng ta nhìn lại và hiểu rõ ràng hơn những giá trị “văn hóa làng” nói chung và cổng làng nói riêng.

Đó là một nét văn hóa độc đáo trong kho tàng văn hóa nông thôn mà làng Việt Nam bấy lâu nay lưu giữ. Cổng làng vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn người dân Việt Nam xa quê, xa xứ...

Có lẽ khó mà tìm ra được một nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc hình thành cổng của mỗi ngôi làng. Nhưng có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: cổng làng hình thành trong quá trình lập làng, tồn tại và phát triển trong thời gian định hình của các làng Việt Nam.

Làng Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ rất nhiều nguyên nhân, đến nay chúng ta khó có thể tìm được một ngôi làng nào nguyên vẹn ở đồng bằng Bắc bộ.

Song, trong quá trình khảo sát và nghiên cứu, năm 2005, Bộ VHTT chính thức ký quyết định công nhận làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây là “Di tích nghệ thuật kiến trúc”! Đường Lâm là đơn vị hành chính cấp xã. Xã này do 9 làng họp lại, trong xã có 5 làng liền thổ, khách đến thăm làng không thể phân biệt đâu là ranh giới giữa các làng.

Trên thực tế đây là 5 làng hoàn toàn riêng biệt, riêng từ tập quán sinh hoạt đến tín ngưỡng dân gian và ngay cả thổ âm cũng hoàn toàn không giống nhau.

Phải chăng tính “bảo thủ” bền vững ấy cũng chính là nguyên nhân để hôm nay chúng ta còn lại một “Làng Việt cổ đá ong Đường Lâm”. Khái niệm Làng Việt cổ đá ong Đường Lâm là để chỉ khu vực này, trong đó làng trọng tâm là làng Mông Phụ.

“Mông” theo nghĩa chữ Hán là đồi, gò. “Phụ” là thấp (non). Mông, còn có nghĩa là gò Mông Sơn. Phụ, là đồi Khúc Phụ, quê hương của Đức Khổng Tử bên Trung Quốc. Đến nay, làng Mông Phụ còn giữ được nhiều nét xưa cũ hơn so với các làng trong vùng.

Nơi vẫn đợi ta về ảnh 2
Những bức tường, cổng nhà bằng đá ong ở Đường Lâm.

Có thể nói đây là một cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ còn sót lại ở đồng bằng Bắc bộ. Làng Mông Phụ là làng duy nhất còn giữ được cổng làng. Khác với các làng xuôi (xuôi theo dòng sông Hồng), cổng làng Mông Phụ không có gác chuông trên mái với những vòm cổng cuốn tò vò. Cổng làng Mông Phụ đơn giản chỉ là một ngôi nhà hai mái dốc đứng án ngữ trên trục chính của con đường vào làng.

Qua khỏi cổng làng, lang thang trên những con đường làng rồi bất ngờ lạc vào một con ngõ sâu hun hút. Một mình mình nghe tiếng bước chân mình rộn vàng trong từng ngõ nhỏ, những con ngõ với những tường đá ong sừng sững âm thầm đổ bóng mà thấy thời gian như ngưng trệ ở đất này.

Mọi sự đổi thay của một thời tao loạn hình như không có ý nghĩa gì. Chỉ còn lại rêu phong trên những mảng tường đá ong dãi dầu cùng năm tháng. Người đi xa bước chân ra khỏi cổng làng còn ngoái đầu nhìn lại. Lịch sử của làng là một dòng chảy liên tục mấy trăm năm.

Cổng làng ngàn đời nay vẫn thế, mỗi sáng sớm tinh mơ lại ồn ào thức dậy. Trâu bò của thợ cày, thợ cấy gồng gánh ra đồng, trẻ con náo nức đến trường. Biết bao nhiêu công việc thường ngày của một làng quê cứ lặp đi, lặp lại mỗi ngày hai buổi đi về.

Nơi vẫn đợi ta về ảnh 3

Giếng đá ong, nhà cổ ở Đường Lâm.
Ảnh: An Dung

Đơn giản, bình dị mà sao da diết nhớ nhung. Tình cảm ấy đã nâng bước chân bao lớp người đi trước làm nên một cốt cách, một truyền thống tốt đẹp trên mảnh đất này. Giá trị ấy thấm sâu trong từng ngôi nhà, từng làng xóm và bền chặt trong một cộng đồng dân cư.

Về với làng là về với phong tục tập quán, về với lề lối, nề nếp xưa. Vẫn tiếng trống chèo giã hội đêm xuân, vẫn tiếng sáo được cánh diều nâng bổng trong gió tháng tám chạy rong đồng rồi vút lên trên bầu trời khoáng đạt. Vẫn lễ tết hội hè, vẫn còn nguyên đây lời ước hẹn năm nao bên gốc đa làng…

Phải chăng, đó là chỗ dựa vững chắc nhất mỗi khi lòng ta xao xuyến. Ta về thôi, làng ơi! Cổng làng xưa… nay vẫn đợi ta về!…

Bút ký của HÀ NGUYÊN HUYẾN

Tin cùng chuyên mục