Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Tấm lòng trao đi, ân tình ở lại

Nếu theo mạch thời sự xã hội, đủ lâu để người ta nhắc về đại dịch Covid-19 như ký ức đã qua, nhưng lẽ sống ở đời, yêu thương và san sẻ vẫn tiếp tục sau chuỗi ngày gian nan chống dịch ấy. Câu chuyện về tấm “lá chắn” ở TPHCM - tâm dịch của cả nước thời điểm ấy - là câu chuyện của tình người.

Yêu thương còn đó

Nhận được thông báo nhận tiền hỗ trợ người dân trong đợt dịch Covid-19 từ ông tổ trưởng dân phố, anh Trần Văn Tâm (39 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa mừng mà cũng vừa giận mình.

Anh Tâm kể: “Hồi đó, thực hiện giãn cách xã hội chống dịch, chuyện gì cũng hạn chế, thủ tục giấy tờ cũng có lúc sơ suất, thiếu tên tôi và mấy người trong xóm, thành ra không được nhận 1 triệu đồng ngay lúc đó. Nhà mình có tới 3 người thân bị nhiễm, nhưng qua khỏi là may rồi, chứ lúc đó nhiều người mất do dịch lắm. Tới giờ thông báo được nhận hỗ trợ bổ sung, người ta cũng xin lỗi vì thiếu sót, tự giận mình, lúc đó cũng trách móc cán bộ địa phương, may mà chưa có lớn tiếng, lỡ lời để buồn cho nhau”.

Câu chuyện của anh Tâm cũng không có gì lạ, khi giữa đại dịch dữ dội, người nhận được hỗ trợ người lại không, không tránh được tâm lý mình như người bị bỏ lại. Giận ông tổ trưởng đến độ cự nhau một trận um sùm, nhưng rồi lại xí xóa làm huề, chú Nguyễn Trọng Giang (53 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ: “Trong xóm còn sót tui với đâu cỡ 5 người nữa. Ở nhà thì tui với bả cũng thất nghiệp, tụi nhỏ đứa còn việc đứa không, nhìn ai cũng có hỗ trợ tiền mặt mà thiếu mình, thành ra quạu. Nói qua nói lại một hồi cự lộn luôn, hết giãn cách đi làm lại, cũng phải cả tháng tui với ông tổ trưởng mới nói chuyện làm huề với nhau. Giờ ổng tới nhà thông báo từng người chưa nhận hỗ trợ lên phường nhận, nghĩ lại thấy mình bậy ghê”.

Nhóm thiện nguyện Từ Tâm và các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc và trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Hưng
Nhóm thiện nguyện Từ Tâm và các đơn vị tổ chức khám chữa bệnh, phát thuốc và trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn tại xã Bình Hưng

Nhẹ lòng người đi, ấm tình người ở lại

Chúng tôi ngập ngừng khi điểm phát quà từ thiện là chung cư ở trung tâm thành phố - chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3). Anh Trịnh Ngọc Minh (Giám đốc Công ty Thuế vụ và kế toán doanh nghiệp tại Vancouver, Canada, thành viên Hiệp hội Di trú Canada) giải thích: “Lần này tôi và nhóm thiện nguyện chọn một điểm ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, ngay trung tâm thành phố, vì đợt dịch Covid-19 năm 2021, ở đây nhiều người mất lắm. Sự sẻ chia nào cũng quý giá, lần này chúng tôi muốn dành chút quà và chăm sóc sức khỏe cho những gia đình có người thân mất trong đại dịch, để phần nào xoa dịu nỗi đau với mọi người”.

Rời quận 3, Nhóm Y tế và xã hội thiện nguyện Từ Tâm (nhóm thiện nguyện Từ Tâm) cùng anh Ngọc Minh tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, trao quà đến 200 hộ dân và 40 suất học bổng cho các em nhỏ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM. Yêu thương trao đi đôi khi chỉ là một nụ cười của người nhận, cũng đủ để mọi người tiếp bước những hành trình sẻ chia. Anh Ngọc Minh bày tỏ: “Sau dịch, mọi người quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn, nghe thông báo có đoàn khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí, bà con đến đông mà ai nấy mừng lắm”.

Sự chăm lo và sẻ chia của anh Ngọc Minh cùng nhóm thiện nguyện Từ Tâm là những điều dễ thương, tử tế trong muôn vàn câu chuyện đẹp nơi thành phố này. Ân tình trao đi hôm nay cũng là ân tình ở lại trong lòng người và đẹp mãi trong cộng đồng. Từ những điều tử tế cho nhau, mai này người nhận cũng là người trao, một vòng tiếp nối những yêu thương nơi thành phố nghĩa tình.

Một trong những nội dung được nêu ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII vào tháng 5 vừa qua là an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đã giải ngân 104.000 tỷ đồng, hỗ trợ gần 58 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Từ những thấu hiểu và trách nhiệm của người làm việc trên mặt trận thông tin, ngày 6-10-2021, Báo Sài Gòn Giải Phóng đề xuất cần có Ngày tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Nhiều giới chức, nhân sĩ, trí thức… đã chia sẻ, bày tỏ ý kiến đồng thuận, đề xuất Quốc hội sớm xem xét chọn ngày thích hợp, có tính biểu tượng để tưởng niệm. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 19-11-2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND TPHCM tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19…

Tin cùng chuyên mục