Theo báo cáo mới nhất về chỉ số hạnh phúc thế giới của Liên hiệp quốc (LHQ), dân Đan Mạch là người hạnh phúc nhất trên thế giới. Các nhà nghiên cứu kinh tế từ khắp nơi trên thế giới sử dụng các chỉ số được gọi là “sự hài lòng trong cuộc sống” để xếp hạng hạnh phúc của 157 quốc gia và Đan Mạch đứng đầu bảng trong năm 2015, sau 2 năm nhường vị trí này cho Thụy Sĩ. Đây là lần thứ tư có bảng xếp hạng này kể từ năm 2012.
Hình ảnh thường thấy của công dân Đan Mạch - đất nước hạnh phúc nhất thế giới
Những yếu tố cấu thành
Những người thực hiện cuộc nghiên cứu này lưu ý rằng, hạnh phúc thường mang tính chất chủ quan; vì vậy, để có thể có một kết quả chính xác nhất có thể, họ đã sử dụng 3 tiêu chí khác nhau để tìm ra đáp số chung. Đó là đánh giá về tình trạng cuộc sống của người dân, cảm xúc tích cực về cuộc sống (như niềm vui và niềm tự hào) và cả những cảm xúc tiêu cực (như tức giận và lo lắng). Những đánh giá này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn là sự thỏa mãn hay không thỏa mãn trong đời sống xã hội và gia đình. Theo các nhà nghiên cứu, có một số điểm lý giải về việc công dân Đan Mạch là những người hạnh phúc nhất thế giới:
Tốp 5 nước hạnh phúc nhất thế giới 1. Đan Mạch 5 nước ít hạnh phúc nhất thế giới 53. Benin
2. Thụy Sĩ
3. Iceland
4. Na Uy
5. Phần Lan
154. Afghanistan
155. Togo
156. Syria
157. Burundi
Về GDP, Đan Mạch không phải là nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới (chỉ số này thuộc về Luxembourg). GDP bình quân đầu người của Đan Mạch là 61.000 USD/năm, nằm trong top 10 quốc gia có GDP đầu người cao nhất thế giới. Mức lương tối thiểu tại Đan Mạch là 20 USD/giờ (trung bình trên 3.000USD/tháng). Điều quan trọng là những liên đoàn lao động ở Đan Mạch rất mạnh, họ bảo vệ quyền lợi người lao động rất tốt. Ngoài ra, còn có hệ thống hỗ trợ xã hội ở mức độ cao. Nếu chẳng may mất việc hay bị bệnh, người lao động được nhà nước trợ cấp hậu hĩnh. Theo thăm dò của viện Gallup, khi được hỏi về việc có sẵn sàng cho người thân trong gia đình hay bạn bè đến ở nhờ khi họ gặp khó khăn về tài chính hay không thì đại đa số người dân Đan Mạch đều trả lời “sẵn sàng”. Giáo sư kinh tế Đan Mạch Christian Bjornskov, Đại học Aarhus, viết trên trang web chính thức của Chính phủ Đan Mạch rằng: “Tiền không quan trọng bằng cuộc sống xã hội ở Đan Mạch”. Cuộc khảo sát của LHQ cho biết người dân Đan Mạch cảm thấy hài lòng với mức độ tự do chọn lựa cuộc sống cho riêng mình.
Về tuổi thọ, người Đan Mạch có tuổi thọ trung bình 80 tuổi, điều này cũng là kết quả của một môi trường sống hạnh phúc. Sự rộng lượng cũng chiếm đa số trong xã hội Đan Mạch. Khi được hỏi có thường xuyên đóng góp từ thiện hay làm tình nguyện viên hay không thì có đến 67% người Đan Mạch nói họ thường giúp người lạ và 20% đóng góp từ thiện. Người Đan Mạch cũng cảm thấy chính phủ của họ trong sạch và điều này phù hợp với bảng đánh giá về chỉ số tham nhũng của LHQ, theo đó Đan Mạch được đánh giá “rất sạch” trong năm 2015. Bình đẳng giới chiếm tỷ lệ cao tại Đan Mạch khi phụ nữ nắm giữ 43% các công việc hàng đầu trong khu vực công. Rất ít phàn nàn về mức thuế cao và đổi lại họ được hưởng lợi trong hệ thống y tế khi mọi người được miễn phí chi phí khám bệnh và viện phí. Tiền thuế đóng vào các trường học phổ thông và đại học nên học sinh phổ thông không phải đóng học phí và sinh viên được trợ cấp hàng tháng lên đến 7 năm.
Không phán xét người khác
Anh Knud Christensen, nhân viên xã hội 39 tuổi, cho biết một trong những lý do đồng bào mình được thoải mái là do họ cảm thấy an toàn trong một đất nước ít bị thiên tai, ít tham nhũng và hầu như không có các vụ kiện tụng nào kéo dài. Anh Christensen đứng giữa đường phố Copenhaghen mỉm cười và nói: “Chúng tôi không phải lo lắng điều gì và nếu có chỉ là vấn đề thời tiết. Hôm nay có mưa hay không, lạnh hay nóng?…” Theo báo chí Anh, người dân Đan Mạch không yêu cầu cao. Giáo sư Kaare Christensen tại Đại học Odense, quê hương nhà văn Hans Christian Andersen, nói rằng “Người Đan Mạch hạnh phúc với những gì họ có, không kỳ vọng cao vào những gì họ làm hoặc những gì xảy đến với họ”. Giáo sư Christian Bjornskov đề cao tính tự tin và sự kiên định của người Đan Mạch và trên hết, họ biết đoàn kết với nhau để đảm bảo thành công. “Họ có niềm tin mạnh mẽ rằng có thể quyết định cuộc sống của chính mình”, giáo sư Bjornskov nói. Theo giáo sư Bjornskov: “Điều tuyệt vời trong xã hội Đan Mạch là không có chuyện phán xét cuộc sống của người khác”.
Theo ông Jeffrey Sachs, Đại học Columbia, cuộc khảo sát của LHQ về chỉ số hạnh phúc của các quốc gia, hạnh phúc và mạnh khỏe là mục tiêu của nhiều quốc gia trong việc đạt được mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Theo ông, hạnh phúc phải là sự kết hợp 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường chứ không chỉ tập trung vào chỉ số tăng trưởng kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường và xã hội.
| |
HUY QUỐC (tổng hợp)