Ông kỹ sư chạy xe ôm chăm vợ bệnh

Sức khỏe bà Thanh càng ngày càng suy kiệt. Bởi lẽ, ngoài suy thận và phải cắt một bên, bà Thanh còn bị hẹp van tim 2 lá, xơ vữa động mạch, viêm gan siêu vi B… Có thời điểm bà Thanh bị biến chứng mù 2 mắt.

Đang học ngành xây dựng, trường Đại học Bách khoa, năm 1978, ông Trần Ngọc Dũng (sinh năm 1960) nộp đơn tình nguyện đi bộ đội. Năm 1985, trở về từ chiến trường Campuchia, ông Dũng tiếp tục việc học hành. Ra trường, với tấm bằng kỹ sư, ông Dũng được Tổng công ty xây dựng số 14 tiếp nhận. Nhờ chăm chỉ làm việc, ông Dũng sắm sửa nhà cửa, vật dụng gia đình đầy đủ.

Năm 2002, bà Đào Thị Thanh, vợ ông Dũng bị đau bụng, các khớp đau nhức, bụng chướng to… Qua thăm khám, bà Thanh được chẩn đoán bị suy thận và phải cắt một bên.

4-1-dia-chi-can-giup-1-8400.jpg
Ông Dũng chờ vợ hết mệt để đưa về nhà. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Mặc dù vậy, sức khỏe bà Thanh càng ngày càng suy kiệt. Bởi lẽ, ngoài căn bệnh vừa nêu, bà Thanh còn bị hẹp van tim 2 lá, xơ vữa động mạch, viêm gan siêu vi B… Có thời điểm bà Thanh bị biến chứng mù 2 mắt. Sau thời gian điều trị tích cực, bà Thanh đã nhìn thấy, nhưng mắt không còn như xưa. Xe cộ, đồ dùng gia đình lần lượt bị bán và cách đây 10 năm, căn nhà của ông Dũng đã cũng ra đi để lấy tiền lo thuốc thang cho vợ.

Ông Dũng chia sẻ: “Hai đứa con gái đã lập gia đình và theo chồng đi cạo mủ cao su ở Lộc Ninh, Bình Phước. Tụi nó cũng không khá giả gì. Mỗi tháng cũng ráng dành dụm gửi tiền về lo cho má nó. Nhưng, kể từ mùa dịch đến nay thì không còn nữa. Trước đây, vợ chồng tôi mướn nhà ở ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Mỗi tháng 2,5 triệu đồng. Do 3 tháng không đóng tiền nhà, khoảng tháng 9-2023, chủ đã lấy lại nhà. Anh bạn cũng đang thuê nhà ở trọ gần đó đã kêu vợ chồng tôi về ở chung. Họ nói có bao nhiêu thì phụ giúp bao nhiêu. Ấy vậy mà mấy tháng qua tôi chưa đưa cho bạn ấy đồng nào. Tiền ăn còn không có thì lấy đâu ra...”

Biết vợ chồng ông Dũng không còn tài sản nào giá trị, một người bạn khác cho ông mượn chiếc xe gắn máy để chạy xe ôm. Có xe rồi, ông Dũng không đăng ký xe ôm công nghệ mà chọn làm xe ôm truyền thống, vì ông còn phải dành thời gian chăm sóc và đưa vợ đi lọc máu 3 lần mỗi tuần.

Hơn 5 năm lọc máu ở Khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Quân y 175, các bảo vệ đều biết mặt vợ chồng ông Dũng và tạo mọi điều kiện thuận lợi, như: được chở vợ vào đến tận khoa, được dựng xe máy ở dãy ghế chờ để tiếp tục việc mưu sinh trong lúc chờ vợ lọc máu. Những lúc thế này, ông Dũng chỉ nhận chạy loanh quanh gần bệnh viện để canh giờ dìu vợ về.

4-1-dia-chi-can-giup-2-4132.jpg
Ông Dũng dìu vợ từ phòng lọc máu ra ngoài. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Ông Dũng cho biết thêm: “Vợ chồng tôi rất dè sẻn và cũng có bảo hiểm y tế nên gần 5 năm qua, đã giảm bớt gánh nặng gia đình. Nhưng mới đây, bệnh viện thông báo tôi phải đóng tiền tạm ứng khoảng 5 triệu đồng. Nếu không đóng kịp, vợ tôi phải chi trả theo phí dịch vụ là hơn 1 triệu đồng cho mỗi lần lọc máu. Mấy ngày qua, vợ chồng tôi đã đi đến các ngân hàng để vay tiền, nhưng do không còn tài sản thế chấp, nên không ngân hàng nào chấp thuận. Còn người thân và bạn bè thì... tôi còn thiếu họ hơn 300 triệu đồng rồi...”

Mọi giúp đỡ, hỗ trợ xin gửi về báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 – 434 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TP Hồ Chí Minh; ĐT: (028) 22111263.

Chủ tài khoản: Báo Sài Gòn Giải Phóng: 3100231438 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, chi nhánh TPHCM hoặc 000170406009199 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Hội sở). Nội dung: HCCG 24-02.

Tin cùng chuyên mục