
“Đối với Vedan, chúng tôi không thể châm chước một điều gì bởi doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng” – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên (ảnh) đã khẳng định như vậy về việc xử lý Công ty Vedan bên lề phiên họp Quốc hội ngày 22-10.
- PV: Cho dù Bộ Tài nguyên – Môi trường đã 2 lần có công văn “thúc giục” nhưng vì sao tỉnh Đồng Nai vẫn chần chừ trong việc xử lý Vedan, thưa ông?
Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Tôi đã làm việc với Bí thư, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai và Bộ TN-MT đã có văn bản hướng dẫn. Việc xử lý của Bộ TN-MT là chuẩn. Ai gây ô nhiễm người đó phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại. Người dân hoàn toàn có quyền tẩy chay sản phẩm, đòi bồi thường quyền lợi, thiệt hại khi môi trường bị xâm hại.
Vì vậy, nông dân khu vực bị ảnh hưởng có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường. Việc xử kiện hay không là quyền của tòa. Tuy nhiên, để khởi kiện, người dân phải có tổ chức hoặc luật sư đứng ra đòi quyền lợi, với những đánh giá về tổn hại cho sức khỏe do ngành y tế xác định hoặc thiệt hại cây trồng, thủy sản do ngành nông nghiệp tính toán… Cùng xả nước thải ra sông, Miwon đã đóng cửa, tỉnh Phú Thọ đã làm rất tốt việc này.
- Bộ TN-MT đã có đánh giá thiệt hại về môi trường do Vedan gây ra?
Bộ đang thành lập các nhóm chuyên gia đánh giá từ mặt sinh học, chất lượng nước, thiệt hại kinh tế ra sao đối với 10km sông Thị Vải bị “chết”. Như vậy là các nhà khoa học đã bắt đầu vào cuộc đánh giá thiệt hại để bắt buộc Vedan phải có trách nhiệm. Trước mắt, mới xử lý hai việc, đó là xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường với số tiền gần 270 triệu. Xử lý thứ hai là truy thu khoản phí nước thải từ 2004 trở lại đây với số tiền 127 tỷ đồng. Còn tất cả việc khác đang tiến hành.
- Liệu mức xử phạt đối với Vedan như vậy đã đủ sức răn đe?
Đúng là khung xử phạt thấp quá, cộng tất cả hành vi mới có 270 triệu đồng, tới đây sẽ nâng lên 500 triệu đồng/hành vi. Như vậy, nếu sai phạm như Vedan với 10 hành vi sẽ bị phạt 5 tỷ đồng. Quan điểm dứt khoát phải đóng cửa Vedan (những nơi xả nước thải ô nhiễm) và làm đến cùng. Cho đến khi công ty này phải làm lại toàn bộ hệ thống nước thải nổi trên mặt đất và nước thải phải qua hệ thống xử lý đạt chuẩn mới cho ra môi trường. Vedan phải xóa toàn bộ hệ thống ngầm gian dối. Đối với Vedan, chúng tôi không thể châm chước một điều gì bởi doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng. Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật nhà nước Việt Nam.
Tôi theo đuổi Vedan từ năm 1997, họ lừa dối và xảo quyệt khi đổ 1 tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu. Chính tôi lúc đó đã kịch liệt ngăn chặn. Lợi nhuận sau thuế của Vedan trong 1 năm là 10-15 triệu USD, lẽ ra khu công nghệ vi sinh phải được đầu tư 10%-15% của tổng giá trị đầu tư nhà máy, tương đương số tiền 50-70 triệu USD để làm xử lý môi trường, nhưng họ chỉ bỏ ra 3 triệu. Thứ hai, họ trốn kinh phí xử lý. Mỗi khi có đoàn kiểm tra DN nàyï lại cho nước xả qua bể xử lý. Chính vì thế, tới đây sẽ yêu cầu Vedan phải lắp hệ thống tự động quan trắc để có thể dễõ dàng phát hiện có gian dối hay không qua đồng hồ điện, nước đầu vào đầu ra.
- Ngoài Vedan, sắp tới, những đối tượng DN nào sẽ nằm trong “tầm ngắm” của bộ?
Việc xử lý nghiêm Vedan là lời cảnh báo cho các nhà máy, xí nghiệp khác. Tới đây sẽ phối hợp với các ngành tiếp tục làm tất cả các nhà máy bột ngọt, vi sinh, dược liệu, bia, nhà máy giấy, các khu công nghiệp. Không có chuyện làm phong trào mà làm đến nơi đến chốn.
- Với sai phạm nghiêm trọng như vậy, vì sao Vedan chưa bị khởi tố vụ án hình sự về môi trường, thưa Bộ trưởng?
Luật Hình sự quy định 10 tội phạm môi trường, sắp tới có thể phải bổ sung thêm và nhất là tăng mức xử phạt. Nhưng bên cạnh đó, đối với các DN nước ngoài, khung hình sự mới là xử lý cá nhân. Tổng giám đốc Vedan làm thuê cho chủ bên Đài Loan, nên khi Vedan có chuyện, Tổng Giám đốc đã về bên kia chỉ còn Phó Tổng Giám đốc ở đây nên việc xử lý cũng có khó khăn. Luật pháp, nhất là đối với DN nước ngoài cũng cần điều chỉnh. Đến nay, việc khởi tố DN nước ngoài xem ra còn hạn hữu và vấn đề môi trường nổi lên có thể là một điểm để các cơ quan bảo vệ luật pháp đào sâu vào vì đây là vấn đề thường xảy ra sai phạm lớn. Tuy nhiên, phải làm đúng luật.
- Vậy cho đến thời điểm này, Vedan đã nộp 127 tỷ đồng chưa, thưa Bộ trưởng?
Vedan đang muốn kéo dài nhưng quan điểm của tôi là dứt khoát không. Phải nộp đủ mới cho mở cửa lại nhà máy.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
Anh Nhi
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường của QH: Mức phạt nghiêm mà xử lý chậm cũng mất tính răn đe Đó là ý kiến của ông Nghiêm Vũ Khải khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về cách ứng xử của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của doanh nghiệp Vedan. Nhân biết việc hôm nay, 23-10, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí về quá trình xử lý vi phạm của Công ty Miwon, ông Khải nhận định: Trước một sự việc tương tự, thậm chí ít nghiêm trọng hơn cả về quy mô và thời gian vi phạm, UBND tỉnh Phú Thọ đã có cách xử lý khác, mạnh mẽ và dứt khoát hơn. Trường hợp Vedan, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 (Điều 49), việc ra quyết định xử lý hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Tôi cho rằng việc UBND tỉnh Đồng Nai viện lý do “Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã xử lý rồi” để không ra quyết định xử phạt đối với Vedan không phải là cách làm thấu tình đạt lý. Có thể rút kinh nghiệm với Bộ TN-MT về cách thức ra văn bản, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm ra quyết định xử phạt đối với Vedan. Cá nhân tôi cho rằng, quyết định đó có thể có 2 phần, trong đó một phần - hình thức xử phạt bằng tiền - thống nhất với kết luận của Bộ TN-MT, phần thứ 2 (tùy cân nhắc của tỉnh) là hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động, chờ khắc phục hậu quả. Không nên nhùng nhằng chậm giải quyết chỉ vì vấn đề thủ tục văn bản. Mức xử phạt dù nghiêm khắc cũng mất đi phần nào tính nghiêm minh cũng như ý nghĩa răn đe nếu không được thực thi kịp thời. Anh Phương thực hiện Vụ Công ty Vedan VN gây ô nhiễm môi trường (SGGP). – Ngày 21-10, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc họp ba bên với Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh thống nhất đối với những vi phạm nghiêm trọng của Công ty Vedan. Theo đó, ngoài hình thức phạt chính, hình thức phạt bổ sung thì việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả với hình thức tạm thời đình chỉ hoạt động Công ty Vedan như đề nghị của Bộ TN-MT trước đó là hoàn toàn phù hợp (Công văn số 4099/BTNMT-TCMT ngày 17-10-2008, Bộ TN-MT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản đình chỉ hoạt động Công ty Vedan). Tuy nhiên, các thành viên cuộc họp cho rằng tại khoản 3, Điều 56 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002, quy định “trong quyết định xử phạt, phải ghi rõ hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung (nếu có), các biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có); thời hạn, nơi thi hành quyết định xử phạt và chữ ký của người quyết định xử phạt”. Vì vậy, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành một quyết định riêng lẻ để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm của Công ty Vedan đã được Chánh Thanh tra Bộ TN-MT xử phạt hành chính và đã áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định 131/QĐ-XPHC là không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (như văn bản số 8483/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi Bộ TN-MT). Mặt khác, theo quy định tại khoản 3, Điều 33 (quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND tỉnh) và khoản 3 Điều 34 Nghị định số 81/2006/NĐ-CP ngày 9-8-2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (quy định thẩm quyền xử phạt của chánh thanh tra bộ) thì thẩm quyền xử phạt tiền, xử phạt bổ sung và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND tỉnh và chánh thanh tra bộ là như nhau. Do đó, chiều ngày 22-10, Sở TN-MT, Sở Tư pháp và Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ TN-MT thu hồi quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 131/QĐ-XPHC) để ban hành quyết định mới trong đó có biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất Công ty Vedan. Đồng thời, đề nghị Bộ TN-MT chuyển toàn bộ hồ sơ cho tỉnh Đồng Nai để UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt như Quyết định 131 và bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả là tạm thời đình chỉ hoạt động sản xuất. L.Long |