Phản hồi loạt bài “Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản”: Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học

Từ loạt bài “Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản” (Báo SGGP đăng từ ngày 9-3 đến 11-3), phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về thực trạng cũng như những giải pháp trong thời gian tới để phát triển và thu hút người học vào những ngành khoa học cơ bản (KHCB).
PGS-TS Hoàng Minh Sơn
PGS-TS Hoàng Minh Sơn

* PHÓNG VIÊN: Hiện nay tuyển sinh đại học, sau đại học các ngành KHCB đang gặp nhiều thách thức: ít thí sinh đăng ký, điểm đầu vào thấp… Thứ trưởng nghĩ sao về thực trạng này?

- PGS-TS HOÀNG MINH SƠN: Tôi muốn đề cập tới cả khối ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Toán và Thống kê (gọi tắt là khối ngành SM, trong đó có các ngành KHCB), đây là những ngành nền tảng, thiết yếu đối với phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Theo số liệu tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, số sinh viên nhập học khối ngành SM chiếm xấp xỉ 1,5% trong tổng số sinh viên nhập học mới, thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình của các nước châu Á Thái Bình Dương là 7%. Điểm xét tuyển bình quân của các sinh viên trúng tuyển hầu hết các ngành này nằm ở mức trung bình và dưới trung bình của tất cả lĩnh vực đào tạo, trừ nhóm ngành Toán học có đầu vào khá tốt trong một vài năm gần đây. Xét về cả số lượng và chất lượng tuyển sinh các ngành này, đây là một nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trình độ cao, chất lượng cho đất nước.

* Vậy nguyên nhân do đâu, thưa Thứ trưởng?

- Có thể chỉ ra một số nguyên nhân. Đầu tiên, triển vọng việc làm của các ngành này chủ yếu theo định hướng nghiên cứu và phát triển, trong khi nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao các ngành này ở nước ta còn thấp. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp các ngành Toán hay khoa học thường phải học tiếp lên trình độ cao hơn, hoặc cần một thời gian học việc không ngắn để có thể đảm nhiệm tốt vị trí việc làm liên quan tới nghiên cứu và phát triển; ví dụ trong các trường đại học, viện nghiên cứu hay trong các phòng thí nghiệm, trung tâm R&D của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Đặc điểm này không tạo ra sự hấp dẫn đối với hầu hết học sinh phổ thông, nhất là học sinh trong các gia đình có điều kiện kinh tế không dư giả.

Ngoài ra, công tác định hướng nghề nghiệp, truyền thông về đặc điểm ngành nghề và triển vọng việc làm trong học sinh, sinh viên phổ thông còn yếu, dẫn tới nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí có những quan niệm sai lệch. Đồng thời, chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học của các trường chậm được đổi mới. Các ngành khoa học, Toán học vẫn thường được coi là khó, khô khan, nặng tính hàn lâm, lý thuyết, ít tính thực tiễn nhưng không phải do bản thân chúng, mà là do nội dung chương trình đào tạo cũng như phương pháp tiếp cận trong dạy và học từ bậc phổ thông cho tới đại học tạo cho học sinh, sinh viên cảm nhận như vậy.

* Bộ GD-ĐT đang xây dựng Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển công nghệ cao. Riêng với những ngành KHCB, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất những nội dung gì để tham mưu Chính phủ xem xét?

- Trong Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, các ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống và Toán học cùng với một số ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt sẽ được chú trọng. Đối với người học, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất những cơ chế, chính sách tài chính hỗ trợ trực tiếp người học, như chính sách học bổng, tín dụng sinh viên; một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, hướng nghiệp trong trường phổ thông.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy gia tăng quy mô, chất lượng đào tạo thông qua chính sách thu hút tài năng, đổi mới chương trình cùng phương pháp giảng dạy, cải thiện điều kiện dạy và học, gắn kết đào tạo với nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác nhà trường - doanh nghiệp, hợp tác trong nước và quốc tế. Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp Bộ KH-CN thúc đẩy việc gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để đề xuất những giải pháp về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, “đặt hàng” đào tạo theo nhu cầu…

Các chuyên gia đang làm việc tại Viện Tế bào gốc (ĐH Quốc gia TPHCM)
Các chuyên gia đang làm việc tại Viện Tế bào gốc (ĐH Quốc gia TPHCM)

* Ngoài chính sách tầm quốc gia để phát triển bền vững các ngành KHCB, các cơ sở đào tạo nên có những hướng đi như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

- Hầu hết cơ sở đào tạo những ngành Toán và KHCB là những trường đại học có truyền thống và uy tín cả về đào tạo lẫn nghiên cứu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học, theo tôi, việc đầu tiên là chính các trường cần tiên phong đổi mới nội dung, phương pháp tiếp cận trong giảng dạy các môn Toán và khoa học cho tất cả các ngành, chú trọng tính ứng dụng thực tiễn trong các môn học, làm sao để người học hứng thú hơn và học tập hiệu quả hơn các môn học này.

Song song đó, cần đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp dạy và học của các ngành ở cả bậc đại học, sau đại học, tích hợp và tận dụng triệt để lợi thế của những công nghệ, công cụ mới (nhất là công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo), tăng cường gắn kết đào tạo với nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, áp dụng những mô hình đào tạo tiên tiến, trang bị kiến thức nền tảng vững chắc và phát triển năng lực tư duy, sáng tạo trong giải quyết vấn đề thực tiễn cho người học. Các trường đại học cũng cần chủ động phối hợp với các trường phổ thông, tham gia tích cực hơn vào công tác truyền thông, định hướng ngành nghề sớm cho học sinh phổ thông.

Tin cùng chuyên mục