Vụ hai cụ già phải trèo tường bất đắc dĩ ở phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Chính quyền đã làm hết trách nhiệm?

Trong khi vụ việc đã xuất hiện những yếu tố mới, chính quyền quận và phường vẫn khăng khăng giữ ý định giải quyết theo hướng “ông Tiến tự thỏa thuận”. Phóng viên Báo SGGP đã tiếp tục thu thập thêm ý kiến từ đại diện các tổ chức đoàn thể và dư luận nhân dân về vấn đề này.

Trong khi vụ việc đã xuất hiện những yếu tố mới, chính quyền quận và phường vẫn khăng khăng giữ ý định giải quyết theo hướng “ông Tiến tự thỏa thuận”. Phóng viên Báo SGGP đã tiếp tục thu thập thêm ý kiến từ đại diện các tổ chức đoàn thể và dư luận nhân dân về vấn đề này. 

Ông PHẠM LỢI, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội:
Lãnh đạo thành phố cần giải quyết nghiêm túc, khẩn trương


Về việc này, UBMTTQ TP đã có ý kiến bằng văn bản. Sự kiện xảy ra đã hơn một năm nay, báo chí cũng đã lên tiếng rất nhiều, nếu các cấp chính quyền không khẩn trương đưa ra quyết định giải quyết cuối cùng thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín, vị thế của thủ đô.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội:
Chính quyền chưa làm hết trách nhiệm


Tôi cho rằng các cấp chính quyền, mà trách nhiệm chính là UBND quận Hai Bà Trưng, chưa làm việc đến nơi đến chốn, thậm chí có biểu hiện chậm trễ, quan liêu. Đoàn đại biểu Quốc hội đã hơn một lần đề nghị quận xem xét, giải quyết. Gần đây nhất, cách đây một tháng, chính tôi đã ký công văn của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội gửi quận Hai Bà Trưng đề nghị xem xét, giải quyết, nay họ cũng chưa trả lời công văn đó.

Chỉ riêng việc này cũng cho thấy là kỷ luật hành chính ở các cơ quan công quyền chưa được thực hiện nghiêm túc! Vụ việc này kéo dài, không được giải quyết dứt điểm đã gây phản cảm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Sắp tới, trong cuộc họp với Đảng ủy và chính quyền thành phố, chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lại vấn đề này.

Luật gia NGUYỄN PHƯƠNG DUNG:
Phải tách bạch từng việc để giải quyết


Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc này, tôi cho rằng cần phải tách bạch từng việc để giải quyết. Việc cấp bách nhất mà chính quyền quận hoàn toàn giải quyết được là yêu cầu gia đình ông Lê Phàn mở ngay cửa, tạo lối đi cho gia đình ông Trần Đức Tiến, không thể để cảnh bi hài “trèo tường” xảy ra ở giữa thủ đô như vậy được.

Tôi cho rằng, khi cấp sổ đỏ cho gia đình ông Tiến và ông Phàn, cơ quan chức năng đã có sơ xuất là không chỉ rõ lối đi nhờ của ông Tiến trên đất nhà ông Phàn. Nay, khi điều chỉnh, bổ sung sổ đỏ (ngày 17-3-2006), sơ đồ thửa đất vẫn không được vẽ lại, không thể hiện rõ vị trí, phạm vi của lối đi nhờ, điều này tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tranh chấp tiếp theo. Tuy nhiên, khi sổ đỏ nhà ông Tiến, ông Phàn đã được điều chỉnh thì tòa án cũng đã có căn cứ để thụ lý.

Bà VŨ THỊ MAI, nguyên cán bộ Công ty Lương thực Hà Nội:
Một bài học cho mọi người khi tạo lập, mua bán bất động sản


Tôi thực sự chia sẻ những bức xúc của gia đình ông Tiến, bà Dung. Một trong những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hàng ngày là có được lối đi vào nhà mình, nhu cầu đó phải được bảo vệ, Luật Dân sự đã quy định rất rõ. Ông Tiến có thể phải thỏa thuận với ông Vũ, ông Phàn, nhưng sẽ là bước tiếp theo.

Ngoài ra, đây cũng là một bài học quý cho mọi người khi mua bán, tạo lập bất động sản: phải có sự thỏa thuận rất rõ ràng, được pháp luật công nhận. “Yêu nhau rào giậu cho kín” là như vậy...

ANH PHƯƠNG thực hiện
 

Tin cùng chuyên mục