Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo đội ngũ trí thức

Cách đây 60 năm, ngày 18-5-1963, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, trò chuyện với đội ngũ trí thức nước nhà.

Người chỉ rõ: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Ngày 18-6-2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật KH-CN được thông qua, thống nhất chọn ngày 18-5 hàng năm là Ngày KH-CN Việt Nam.

Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 15 hội thành viên với số lượng rất ít ỏi, đến nay, VUSTA đã tập hợp được trên 2,2 triệu trí thức trong số 3,7 triệu hội viên, chiếm 32,5% đội ngũ trí thức cả nước; với 156 hội thành viên gồm 63 liên hiệp hội địa phương và 93 hội ngành toàn quốc. Trong tiến trình lịch sử của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong các cuộc đấu tranh, kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước; thay đổi phương thức sản xuất, đổi mới tư duy xã hội để phát triển đất nước; bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc theo dòng chảy của lịch sử; đúc rút thực tiễn và lịch sử, xây dựng lý luận cho con đường phát triển Việt Nam thời kỳ mới;… Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trân trọng và vinh danh dưới nhiều hình thức. Trong đó, cao quý nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH-CN và Văn học - Nghệ thuật cùng nhiều chính sách đãi ngộ khác.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, thì đội ngũ trí thức càng có vai trò quan trọng: tham mưu, tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của đất nước; truyền bá kiến thức, hướng dẫn nhân dân biết, áp dụng KH-CN để giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Để đội ngũ trí thức, các nhà khoa học Việt Nam ngày càng đóng góp nhiều hơn cho công cuộc phát triển, phải có những chính sách, biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ trí thức; có chính sách phù hợp trong việc thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ở tất cả mọi lĩnh vực, vùng miền.

Đội ngũ trí thức Việt Nam luôn là “nguyên khí của quốc gia”, khi được tập hợp trong khối đại đoàn kết dân tộc sẽ đóng góp vào sự hưng thịnh cho đất nước, “làm rạng rỡ cho dân tộc và vẻ vang cho giống nòi”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục