Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Nơi nhiệt tình, nơi làm khó

Thẳng thắn trao đổi
Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí: Nơi nhiệt tình, nơi làm khó

Trên cơ sở quy chế của Chính phủ, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được UBND TPHCM ban hành được kỳ vọng tạo điều kiện hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng quy chế này có hiệu lực, bên cạnh những đơn vị chủ động thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí thì vẫn còn không ít nơi tạo ra muôn cách làm khó để tránh né phóng viên.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Việt Dũng

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: Việt Dũng

Thẳng thắn trao đổi

Công ty CP thuộc da Hào Dương vi phạm nghiêm trọng về môi trường kéo dài nhiều năm liền như thách thức dư luận, thách thức pháp luật do vậy người dân trông chờ vào động thái, quan điểm xử lý của chính quyền TPHCM. Để đáp ứng thông tin kịp thời cho dư luận, ngay sau khi chủ trì cuộc họp với các sở ban ngành TP về vấn đề này, dù khá bận rộn nhưng Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cũng đã tranh thủ gặp gỡ phóng viên báo đài trung ương và địa phương.

Chỉ trong 20 phút nhưng vị lãnh đạo này đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn, không tránh né các chất vấn của gần 20 báo đài với không ít câu hóc búa, truy trách nhiệm… Sau những câu hỏi là lời cảm ơn từ phía phóng viên với cách trao đổi, cung cấp thông tin cho báo đài thật trách nhiệm, kịp thời của vị Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng thời, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn lãnh đạo TP tiếp tục gặp gỡ báo chí trước những vấn đề nóng bỏng mà người dân quan tâm.

Là người đứng đầu Sở Tư pháp TPHCM, bận rộn nhiều việc nhưng bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc sở, luôn có thái độ cởi mở, nhiệt tình với báo chí. Khi có vấn đề cần lấy ý kiến lãnh đạo Sở Tư pháp, các phóng viên gửi câu hỏi vào địa chỉ email của bà Hương; và thông thường bà sẽ gửi thư trả lời chỉ sau vài giờ, trừ trường hợp quá bận bà sẽ trả lời vào ngày hôm sau. Cách làm việc nhanh gọn, nội dung trả lời đầy đủ, chi tiết đã tạo điều kiện giúp phóng viên nhiều báo có thể thực hiện bài viết thời sự ngay trong ngày.

Điện mà không... thoại

Tuy nhiên, nhiều sở, ngành, quận, huyện và đơn vị của TP còn chưa thực sự phối hợp nhuần nhuyễn với cơ quan báo chí để thông tin nhanh, chính xác tới người dân. Có tình trạng luẩn quẩn: nhiều đơn vị không công khai số điện thoại của người phát ngôn, người được giao phát ngôn, khi phóng viên trực tiếp đến trụ sở đơn vị liên hệ công tác thì được bảo vệ, bộ phận tiếp dân, cán bộ công chức khác vặn vẹo, yêu cầu cần phải… liên hệ, đặt lịch làm việc trước với người đứng đầu đơn vị, người phát ngôn.

Tuy nhiên, khi phóng viên xin số điện thoại di động người đứng đầu, người phát ngôn để hẹn cuộc làm việc thì nhiều cán bộ, công chức, nhân viên bảo vệ lại “khất” với lý do đó là số liên lạc cá nhân, không thể cho người ngoài.

Cũng không hiếm tình trạng có điện mà không… thoại. Ông D., người đứng đầu một đơn vị, có hai số điện thoại, thế nhưng, khi chúng tôi gọi điện (gọi cả hai số) thì không bao giờ ông bắt máy. Tưởng ông bận họp, phóng viên để lại tin nhắn liên hệ công việc, song cũng không thấy ông trả lời. Bất ngờ, một phó phòng của đơn vị này lại gọi điện cho phóng viên vừa trách, vừa dặn dò: “Anh D. nói đừng gọi điện hay nhắn tin nữa,… có phải mèo chuột (bồ bịch - PV) đâu mà léo nhéo nhắn tin, gọi điện hoài!”.

Lại có vị lãnh đạo đơn vị nhiệt tình hẹn phóng viên đến cơ quan để cung cấp thông tin. Nhưng đến nơi, người phát ngôn đơn vị lại yêu cầu phóng viên ghi câu hỏi… ra giấy, đơn vị sẽ trả lời sau! Và chuyện “lặn” luôn không trả lời lại; trả lời chậm trễ sau nhiều ngày; chọn câu hỏi dễ, bỏ qua câu hỏi khó… là “kịch bản” mà phóng viên thường gặp phải.

No dồn, đói góp

Bên cạnh các đơn vị chưa thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ (ít nhất 3 tháng 1 lần) thì cũng có nơi coi việc thông tin định kỳ sẽ… thay thế cho thông tin đột xuất. Tháng 10-2013, bắt đầu cuộc họp báo thông tin tình hình công tác 9 tháng đầu năm 2013, người phát ngôn đơn vị K. đã “phủ đầu”: “Theo quy định, 3 tháng chúng ta gặp nhau một lần. Vậy thì, cứ thế nhé, chúng tôi sẽ cung cấp các hoạt động cho các anh chị (phóng viên). Còn hàng ngày, các anh chị đừng gọi cho chúng tôi nữa; nhiều phóng viên chúng tôi không biết, vậy trả lời sao?”.

Nhiều phụ huynh có con em đang học tại một trường tiểu học ở quận 1 phản ánh, trong những năm học trước, trường có những khoản thu khá cao và bất hợp lý. Từ đó, phụ huynh lo ngại không biết năm học này sẽ có những khoản thu tương tự hay không. Ngày 23-9 vừa qua, chúng tôi đến trường để tìm hiểu về vấn đề này. Thế nhưng trong khi tiếp chúng tôi, hiệu trưởng nhà trường tuyên bố: “Em không được viết về chị, về trường của chị”.

Dù rằng theo quy định tại Luật Báo chí, không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động; trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin! Cách trả lời của bà hiệu trưởng trước vấn đề phóng viên nêu ra cho thấy sự thiếu hợp tác trong thông tin với báo chí, dẫu luật đã quy định.

Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin

Trong hai ngày 2 và 3-12, tại TPHCM, Bộ TT-TT phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai công tác thông tin đối ngoại năm 2014 và hướng dẫn kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Đánh giá về thực trạng thông tin ở nước ta hiện nay, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, Bộ TT-TT khẳng định đang “thừa thông tin vô bổ nhưng lại thiếu thông tin chính thống cần thiết cho xã hội”. Vì vậy phải thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Thông tin cung cấp phải nhanh, chính xác, kịp thời, có độ tin cậy cao đồng thời cần hoàn thiện chế tài liên quan đến cung cấp thông tin. Về công tác thông tin đối ngoại, theo Cục trưởng Lê Văn Nghiêm, nội dung thông tin vẫn chưa phong phú, chưa kịp thời, thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục và còn lúng túng khi quảng bá hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài.

HỒNG HIỆP

NHÓM PV CTXH

Tin cùng chuyên mục