Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư

Sáng nay, 1-3, TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa xuân - 2019 với sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo một số đại sứ quán và cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam; các hiệp hội, hội doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa Xuân 2019 để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư
Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm mùa Xuân 2019 để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, nhà đầu tư

Đây là lần thứ 2, Đà Nẵng tổ chức chương trình để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận những góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hội, hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm giúp cho các dự án triển khai có hiệu quả trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì buổi tọa đàm
Tọa đàm cũng là dịp chia sẻ những cảm nhận, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng, tăng cường và nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào thành phố trong thời gian tới.
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 2 Hơn 500 đại biểu tham dự Tọa đàm mùa Xuân 2019
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, năm 2018, kinh tế thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng; cơ sở hạ tầng đô thị được xây dựng ngày càng hiện đại; văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực. Khối doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp 65 - 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; giải quyết việc làm cho hơn 32.700 lao động. 
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 3 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ mong muốn nhà đầu tư, doanh nghiệp chung tay cùng với chính quyền thành phố để xây dựng, phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, đáng đến đầu tư
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 4 Các đại biểu tham dự tọa đàm

Trong năm qua, Đà Nẵng đã tiếp nhận và xử lý 294 kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có 134 kiến nghị, đề xuất tại “Tọa đàm mùa Xuân”; 78 đề xuất, hiến kế tại Hội nghị PCI và 82 kiến nghị, vướng mắc gửi đến các sở, ngành có liên quan. 

Đối với các kiến nghị cụ thể, lãnh đạo Thường trực Thành ủy, HĐND và UBND thành phố đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chỉ đạo các sở, ngành xử lý triệt để, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Đối với các ý kiến đề xuất, đóng góp của doanh nghiệp, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao các sở, ngành tiếp thu, tham mưu sửa đổi các chính sách của thành phố. 

"Những thành quả mà Đà Nẵng đã đạt được có phần đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò tiên phong và quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển KT-XH thành phố.
Nhân buổi tọa đàm hôm nay, tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả các doanh nhân, doanh nghiệp của thành phố. Tôi tin tưởng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tại TP Đà Nẵng đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, chung tay cùng với chính quyền thành phố để xây dựng, phát triển Đà Nẵng trở thành một đô thị sinh thái và thông minh, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư. 
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng rất hoan nghênh và gửi lời cảm ơn đến các đại sứ, tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và nhà đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục giới thiệu đối tác của mình đến kinh doanh và đầu tư tại thành phố Đà Nẵng." - ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ. 
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 5 Các đại biểu tham dự  buổi tọa đàm
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng thừa nhận, bên cạnh những thành quả đạt được, Đà Nẵng cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế là nền kinh tế thành phố Đà Nẵng đã bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, quy mô kinh tế có tăng nhưng chưa đáng kể; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước, năng suất lao động chưa cao; quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vốn đầu tư khá khiêm tốn; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu của phát triển, nhất là quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai; quản lý hành chính trên một số mặt còn cứng nhắc, chưa chuyển sang mô hình phục vụ, kiến tạo; chưa làm tốt chức năng tham mưu định hướng, cải cách hành chính công, tạo địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 6 Rất đông đại biểu đến tham dự buổi tọa đàm

Với mục tiêu phát triển Đà Nẵng bền vững và hướng tới cộng đồng, "Tọa đàm mùa Xuân 2019" hôm nay là cơ hội để lãnh đạo thành phố tiếp tục lắng nghe những kiến nghị, đề xuất và hiến kế của quý vị đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp, nhằm giúp thành phố xem xét và điều chỉnh mô hình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Đồng thời, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về trí tuệ và tài lực của quý vị đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển mà Đà Nẵng đã đặt ra. 

Năm 2018, Đà Nẵng lựa chọn là “Năm Đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm tạo cơ sở, tiền đề cho năm 2019 và các năm tiếp theo triển khai có hiệu quả các mục tiêu lớn đã đề ra. 
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng. Ngay trong những ngày đầu năm mới, Đà Nẵng đã đón tin vui khi được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, Nghị quyết 43 sẽ mở ra cho Đà Nẵng những thuận lợi về cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và phát triển, tạo đà để thành phố vươn lên một tầm cao mới, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. 
Trong bối cảnh đó, Đà Nẵng chọn chủ đề năm 2019 là "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư’", theo đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 và chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo để tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH của thành phố Đà Nẵng. 
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 7 Các đại biểu nước ngoài tham dự tọa đàm
Với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung theo hướng phát triển KT-XH bền vững, Đà Nẵng ưu tiên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thương mại, du lịch. Đặc biệt, công tác thu hút đầu tư của Đà Nẵng sẽ chú trọng trách nhiệm đối với cộng đồng, lựa chọn những dự án đầu tư hiệu quả góp phần phát triển KT-XH thành phố theo hướng bền vững. 
"Với tinh thần cởi mở, chia sẻ, lắng nghe và cầu thị, chúng tôi rất mong muốn nhận được những ý kiến thẳng thắn, chân thực từ góc nhìn của quý vị trong buổi tọa đàm ngày hôm nay." - Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chia sẻ.

Trong chương trình tọa đàm, TP Đà Nẵng sẽ ký kết hợp đồng triển khai lựa chọn nhà thầu tư vấn và các hợp đồng tài trợ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đồng thời, trao giấy chứng nhận đầu tư/quyết định đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn gần 500 triệu USD và thông báo nghiên cứu đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn dự kiến trên 3,6 tỷ USD.

                    Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp đến đầu tư

Tại buổi Tọa đàm, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đưa các kế hoạch để thực hiện mục tiêu Năm 2019 là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 8 Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh lên kế hoạch thực hiện Năm 2019 là năm tiếp tục thu hút đầu tư
Theo đó, trên cơ sở kết quả phân tích đầy đủ, khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau thời gian thực hiện Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2018, Đà Nẵng quyết định chọn Năm 2019 là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư. 
Phát triển Đà Nẵng thành một thành phố đáng sống và đáng đến đầu tư ảnh 9 Lãnh đạo các sở ngành TP Đà Nẵng tại buổi tọa đàm
Với chủ trương và quyết tâm tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, công khai minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đã, đang và sẽ đến với Đà Nẵng, kế hoạch thực hiện Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019 của thành phố xoay quanh 5 nội dung:

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Theo đó, tập trung: đánh giá tình hình thực tiễn phát triển, các quy hoạch hiện hành trên địa bàn thành phố; rà soát và đưa ra định hướng mới trong phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, đầu tư hạ tầng đô thị và xã hội theo đúng định hướng Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng sẽ ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển đô thị giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 156/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Xây dựng và tiếp tục triển khai một số đề án như: Đề án tổng thể phát triển Khu Công nghệ cao Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030;  Đề án một cửa liên thông trong công tác chuẩn bị, cấp phép và quản lý dự án đầu tư ngoài các khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Đề án phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020; Ðề án thí điểm nâng cao tính năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ cao; Đề án xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành kinh tế mũi nhọn,...

Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ ban hành, hoàn thiện một số quy định, chính sách như: Quy định đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Quy định nội dung và mức kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; Chính sách về quản lý cụm công nghiệp và Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp.

2. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Đối với các KCN hiện có như: Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm,... đã sử dụng gần hết diện tích, thành phố sẽ rà soát và có giải pháp xử lý quỹ đất sử dụng không hiệu quả, hoặc để trống để công khai rộng rãi cho doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký. Đà Nẵng sẽ có hướng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tại Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng từ đất sản xuất công nghiệp ngành thủy sản sang đất dịch vụ - thương mại để giảm ô nhiễm môi trường. 

Với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai đảm bảo tiến độ hạ tầng dự án Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 và các công trình phụ trợ; Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1 với diện tích 131ha; dự kiến tổ chức khánh thành vào ngày 29-3-2019.

Để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất công nghiệp ngày một tăng cao, Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thành các thủ tục thành lập và lựa chọn nhà đầu tư KCN Hòa Cầm – Giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh. Hoàn chỉnh hạ tầng giai đoạn 1 cụm công nghiệp Cẩm Lệ; Đẩy nhanh triển khai các thủ tục thành lập, chuẩn bị đầu tư một số cụm công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam, Hòa Hiệp Bắc.

Ngoài ra, năm 2019, Đà Nẵng sẽ hoàn thành quy hoạch TL 1/500 Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Hòa Ninh. Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hòa Phú, Hòa Khương.

Đối với các dự án ngoài KCN, Đà Nẵng sẽ rà soát, sớm công khai quỹ đất, các lô đất đưa ra đấu giá, đấu thầu để chủ động kêu gọi các dự án đầu tư. Hoàn thành Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Xây dựng hệ thống Cổng thông tin đất đai nhằm minh bạch hóa thông tin đất đai, tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai cho các tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

3. Chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm

Đà Nẵng chủ động, tích cực làm việc với các bộ, ngành Trung ương để sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung, Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, Dự án di dời ga đường sắt, Dự án làng đại học,...

Riêng đối với dự án cảng Liên Chiểu, hiện tại thành phố đã được Trung ương giao đảm nhận toàn bộ việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện đầu tư các hạng mục công trình xây dựng của dự án, sử dụng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trong năm 2019 thành phố sẽ phấn đấu khởi công xây dựng nhà ga T3 tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng để đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm ngoài các khu công nghiệp như: Dự án Khu công viên phần mềm số 2, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn, Khu CNTT tập trung giai đoạn 2, Khu đô thị Đại học Pegasus, Dự án Khu du lịch Làng Vân, cầu tàu và các bến du thuyền trên sông Hàn, Dự án tổ hợp lễ hội pháo hoa quốc tế, Tổ hợp trung tâm thương mại cao cấp Võ Văn Kiệt, Tổ hợp sân golf Hòa Phú - Hòa Phong, Sân golf Bà Nà, Dự án đua ngựa, một số bãi đỗ xe,... 

Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các dự án đang xúc tiến đăng ký đầu tư, triển khai dự án tại Đà Nẵng trong các lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao như: y tế, giáo dục, thương mại, logistics,...

4. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư

Đẩy mạnh hoạt động quảng bá Đà Nẵng, các khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin,... trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thu hút đầu tư như diễn đàn, hội thảo; tiếp xúc, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách thiết thực, hiệu quả.

Tăng cường tiếp cận hiệu quả các nhà đầu tư chiến lược tại thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu,...

Đẩy mạnh quan hệ hợp tác xúc tiến đầu tư với các cơ quan trong nước, quốc tế như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Đại sứ quán, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham),...

5. Hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ một cách hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh gọn, kịp thời

Đà Nẵng luôn đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án tại Đà Nẵng, thành phố tiếp tục tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, như:

Đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với cộng đồng doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề; Đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo sở, ngành với doanh nghiệp; Các cổng thông tin điện tử sở, ngành tiếp nhận ý kiến góp ý, kiến nghị. Đối thoại trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử,...

Cùng với đó, Đà Nẵng sẽ triển khai chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng lao động; tăng cường hiệu quả thực hiện Quy trình tiếp nhận, xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn thành phố.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực điều hành của chính quyền để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút đầu tư. Để thuận lợi cho việc cung cấp thông tin, thủ tục nhất quán tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án đầu tư, thành phố sẽ nghiên cứu triển khai phần mềm quản lý dự án đầu tư liên thông giữa các sở, ban, ngành và đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 liên quan đến thủ tục đầu tư.

Chính quyền TP Đà Nẵng cam kết đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; quyết tâm thực hiện có hiệu quả những hoạt động trong Kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư năm 2019 nhằm tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án, tăng cường thu hút đầu tư vào thành phố. Lãnh đạo TP Đà Nẵng mong muốn nhận được sự ủng hộ và chia sẻ từ cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư vì sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục