Phòng công chứng cũng bị “qua mặt”

Công an quận 6 đang thụ lý điều tra một vụ làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản thừa kế xảy ra tại phường 14. Chỉ bằng một vài thủ đoạn đơn giản, ông Nguyễn Văn Tư (thường trú tại số 70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6) đã “qua mặt” các cơ quan chức năng để làm được giấy chủ quyền đối với 3 căn nhà là tài sản thừa kế.

Công an quận 6 đang thụ lý điều tra một vụ làm giả giấy tờ, chiếm đoạt tài sản thừa kế xảy ra tại phường 14. Chỉ bằng một vài thủ đoạn đơn giản, ông Nguyễn Văn Tư (thường trú tại số 70 Tân Hòa Đông, phường 14, quận 6) đã “qua mặt” các cơ quan chức năng để làm được giấy chủ quyền đối với 3 căn nhà là tài sản thừa kế.

Nội dung vụ việc tóm tắt như sau: Ông bà ngoại của ông Tư có 7 người con, trong đó mẹ ông Tư là bà Nguyễn Thị Ngọc và vài chị em lập gia đình, sinh con, hiện đều còn sống (riêng bà Ngọc có 3 con). Ông bà ngoại của ông Tư chết không có di chúc, để lại 3 căn nhà tại phường 14, quận 6. Thế nhưng, tháng 10-2010, ông Tư đến Phòng Công chứng số 7 để làm thủ tục khai nhận và phân chia di sản thừa kế.

Theo hồ sơ mà ông Tư cung cấp, trong số 7 người con của ông bà ngoại, chỉ có mẹ ông lập gia đình và sinh ông là con duy nhất. 6 người còn lại đều độc thân và đến nay 5 người đã qua đời, người dì tên Liễu còn sống thì đồng ý tặng toàn bộ phần thừa kế của mình cho cháu. Ông Tư nộp cho phòng công chứng một bản sao giấy chứng tử mang tên mẹ mình (thực tế bà Ngọc còn sống) do UBND phường 14, quận 6 cấp ngày 8-7-2010, ghi thời gian chết là ngày 26-2-1992.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ của ông Tư, theo quy định, Phòng Công chứng số 7 đã tiến hành niêm yết công khai 30 ngày tại UBND phường 14, quận 6 (là địa phương nơi bà Ngọc đăng ký hộ khẩu thường trú và cũng là nơi tọa lạc 3 căn nhà tài sản thừa kế). Hết thời hạn, do không có trường hợp nào tranh chấp, khiếu nại nên công chứng viên đã công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, sau đó ông Tư dùng văn bản này để làm thủ tục đứng tên chủ quyền nhà.

Mãi đến gần đây, bà Ngọc mới phát hiện ra vụ việc và gởi đơn đến Công an quận 6 tố cáo “quý tử”. Được biết, UBND phường 14, quận 6 cũng có văn bản đề nghị cơ quan điều tra làm rõ vì sao ông Tư lại có bản sao giấy chứng tử mang tên bà Ngọc. Nơi đây khẳng định không hề cấp giấy chứng tử bản chính hay bản sao mang tên bà Nguyễn Thị Ngọc.

Riêng vào ngày 8-7-2010, UBND phường 14, quận 6 có cấp bản sao giấy chứng tử của ông Nguyễn Văn Sớm, chết ngày 26-2-1992. So với bản sao giấy chứng tử của ông Sớm thì bản sao giấy chứng tử mang tên bà Ngọc mà ông Tư nộp cho Phòng Công chứng số 7 có các điểm giống nhau: ngày chết, số chứng tử và số quyển!

Ở vụ việc này, ông Tư có dấu hiệu phạm tội hình sự đã rõ, qua hành vi làm giả giấy tờ, khai man về quan hệ nhân thân để chiếm đoạt tài sản thừa kế. Trách nhiệm hình sự của ông Tư như thế nào thì sẽ do các cơ quan chức năng xử lý.

Về góc độ quản lý nhà nước, vụ việc này đã cho thấy một điều đáng lo ngại: Có vẻ như các quy định pháp luật hiện hành tuy nhiều nhưng vẫn lỏng lẻo. Dù hồ sơ xin thừa kế di sản của ông Tư được niêm yết công khai tại ủy ban phường đến 30 ngày nhưng cả gia đình ông không ai phát hiện được.

Điều đó cho thấy, chỉ với quy định niêm yết hồ sơ tại phường là chưa đủ để ngăn chặn các hành vi vi phạm và tội phạm. Bởi lẽ, người dân không thể ngày nào cũng chạy ra ủy ban phường để xem có chuyện gì liên quan đến mình được niêm yết hay không.

Mặt khác, nếu mỗi gia đình đều “ghé phường” mỗi ngày thì không trụ sở ủy ban nào chứa nổi! Trong khi đó, hành vi gian trá của ông Tư sẽ dễ dàng bị phát hiện ngay nếu như có quy định về việc nhân viên tư pháp, nhân viên địa chính phường phải có trách nhiệm kiểm tra những thông tin liên quan đến phần việc của mình đối với những hồ sơ được đề nghị niêm yết công khai. 

Hoàng Trọng Khôi

Tin cùng chuyên mục