Hôm qua 12-6, Quốc hội đã có phiên thảo luận tại hội trường về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012. Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ nhưng nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng những giải pháp về thuế vẫn chưa đủ mạnh.
Tác động không lớn
Thay mặt Chính phủ báo cáo trước QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã đưa ra phương án giảm, miễn thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2012.
Thứ nhất, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng DN, bao gồm: DN nhỏ và vừa (không bao gồm các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…) và DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến.
Thứ hai, miễn thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011.
Theo tính toán, toàn bộ gói giải pháp nêu trên, bao gồm cả những giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo thẩm quyền, tác động tài chính đến sản xuất kinh doanh của nền kinh tế khoảng 29.000 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra về các giải pháp trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc miễn, giảm thuế khó đạt được mục tiêu vì đối tượng áp dụng và mục tiêu đề ra quá rộng trong khi nguồn lực hỗ trợ lại hạn chế, khó có thể “tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường”. Với số giảm thu khiêm tốn như vậy thì mức độ lan tỏa, tác động của chính sách là không đáng kể so với yêu cầu thực tiễn.
Theo ông Hiển, giải pháp miễn, giảm, giãn thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ DN vì hiện nay DN chủ yếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm, dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao. “Do đó, Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô; chú trọng hơn đến giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường nhằm tăng sức mua, tạo điều kiện để DN thu hồi vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh” – ông Hiển kiến nghị.
Cần thêm giải pháp hỗ trợ
Đáng chú ý là hầu hết các ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách không tán thành với phương án miễn thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN như đề xuất của Chính phủ. Lý do đưa ra là việc miễn thuế này không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn (bình quân mỗi hộ chỉ được giảm khoảng 50.000 đồng/tháng) nên tác động là không đáng kể.
Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM) đưa ra ví dụ từ thực tế tại TPHCM, việc triển khai chính sách miễn giảm thuế trong năm 2011 có tác động rất tốt, tạo sự lan tỏa, đồng tình cao của người dân. Bởi TPHCM có số đông người ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc… việc ăn ở, sinh hoạt là nhu cầu chính đáng cần được quan tâm: “Số tiền giảm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất tích cực”.
Bên cạnh đó, đa số ý kiến thảo luận của ĐBQH đều cho rằng cần có thêm những giải pháp hỗ trợ DN tích cực và thiết thực hơn. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng phạm vi giảm 30% thuế TNDN còn hẹp, không bảo đảm công bằng giữa các ngành nghề khác nhau. ĐB này kiến nghị cần giảm 50% thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường đến hết năm 2012. “Có như vậy mới kích cầu tiêu dùng, giảm hàng tồn kho, giải quyết khó khăn thực chất của DN” - ĐB Đỗ Văn Vẻ nói.
Ở khía cạnh khác, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) cho biết, giảm 30% thuế TNDN đối với DN nhỏ và vừa là cần thiết, nhưng vấn đề là tiêu chí để xác định thế nào là DN nhỏ và vừa hiện nay còn chưa hợp lý: “Theo Nghị định 59 hiện nay DN nhỏ và vừa được xác định dựa trên vốn và số lượng lao động, trong đó yếu tố vốn lại dựa trên tổng tài sản của DN chứ không phải là vốn điều lệ. Vì thế, DN có vốn chỉ 30 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản lên đến hơn 100 tỷ đồng (gồm cả vốn vay) lại không được xếp vào nhóm DN nhỏ và vừa”.
Bên cạnh các giải pháp đã đưa ra, nhiều ĐBQH kiến nghị cần miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 giống như năm 2011, và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng trên một số lĩnh vực.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết: “Một số DN nói với tôi rằng họ không có lợi nhuận, giảm thuế TNDN chẳng khác gì tôi mù anh cho tôi đôi kính, dù có gọng vàng cũng chẳng lợi ích gì. Cần cho tôi cây gậy để tôi dò đường đi”. Vì thế, Chính phủ cần rà soát tất cả vấn đề liên quan đến giá nông sản, vật tư sản xuất nông nghiệp, một số hàng tiêu dùng tồn kho để giảm hoặc miễn thuế GTGT, kích thích thị trường. Khi chưa sửa Luật Thuế TNDN thì trong nghị quyết của QH cần có thông điệp rằng, từ đầu năm 2013 sẽ xem xét giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% để tạo sức cạnh tranh và niềm tin cho DN.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghiên cứu trên cơ sở đánh giá tác động của chính sách này đối với kinh tế - xã hội, đối với tình hình cân đối ngân sách nhà nước năm 2012 để hoàn chỉnh nghị quyết trước khi trình QH thông qua.
Với 88% ĐB tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ QH khóa XIII.
BẢO MINH