Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ ở TPHCM diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Trong 4 tháng đầu năm 2013, TP xảy ra 59 vụ cháy (tăng 3 vụ so với cùng kỳ) làm 5 người chết (tăng 4 người) và 4 vụ nổ làm 11 người chết, 10 người bị thương. Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM, giải thích:
Thời tiết nắng nóng gay gắt nên chỉ cần bất cẩn, sơ ý nhỏ trong sản xuất kinh doanh, sinh hoạt là gây ra cháy. Nhu cầu sử dụng điện cao cũng tăng các nguy cơ chạm chập gây cháy - hiện gần 80% nguyên nhân các vụ cháy là do sự cố về điện.
Khu dân cư xảy ra cháy nhiều nhất, chiếm trên 50% tổng số vụ cháy. Hiện TP có rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ dạng hộ cá thể hoạt động mua bán các mặt hàng có nguy cơ cháy cao (vải, quần áo, vàng mã, nhang, gỗ, hóa chất…) nằm đan xen trong các khu dân cư. Nhiều cơ sở, vì lợi ích kinh doanh trước mắt nên chưa chú ý việc thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt gia đình như hút thuốc, thắp nhang, đun nấu hay sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo khoảng cách an toàn vẫn còn diễn ra dẫn đến nguy cơ mất an toàn PCCC, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tình trạng sang chiết gas, tàng trữ trái phép các chất nguy hiểm về cháy, nổ trong hộ dân vẫn còn tiềm ẩn, dưới nhiều hình thức khác nhau, rất khó phát hiện và ngăn chặn.
° Phóng viên: Vậy Sở Cảnh sát PCCC TPHCM đã có biện pháp gì nhằm đảm bảo an toàn PCCC?
° Thiếu tướng TRẦN TRIỀU DƯƠNG: Sở Tham mưu UBND TPHCM ban hành văn bản yêu cầu các sở ngành, quận huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC. Sở đang phối hợp với các UBND quận, huyện điều tra, khảo sát, phân loại cơ sở, có nguy cơ cháy nổ cao để tập trung hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp PCCC, ngăn chặn xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Sở cũng xây dựng các phương án xử lý cháy nổ lớn có huy động lực lượng, phương tiện của nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở trên địa bàn TP tham gia, nhất là tại các lễ hội, điểm sinh hoạt văn hóa đông người. Tập trung kiểm tra các cơ sở làm phim, cơ sở có sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo giả khói, lửa, tiếng nổ (kể cả trong các nhà hàng, tiệc cưới). Đồng thời, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, hướng dẫn cách sử dụng và thao tác các thiết bị, dụng cụ chữa cháy cho người dân trên 18 tuổi ở các phường, xã.
Sở phối hợp với công an quận, huyện và cơ quan chức năng tổ chức đợt tổng kiểm tra việc thực hiện các điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, gia đình kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ cháy cao. Mỗi khu phố cần thành lập một tổ PCCC tự quản được trang bị các bình chữa cháy các loại và xây dựng phương án PCCC tại chỗ. Tăng cường chế độ thường trực, tuần tra, kiểm tra của lực lượng dân phòng vào thời gian ban đêm để phát hiện cháy sớm, báo cháy kịp thời và huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy ban đầu có hiệu quả.
° Nhưng nhiều khi người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, gia đình vẫn thờ ơ với công tác PCCC và Sở Cảnh sát PCCC thường du di?
° Đúng là nhiều khu dân cư, địa phương không đầu tư xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ và trang bị phương tiện PCCC ban đầu. Sở cũng chưa xử phạt UBND phường, xã nào lơ là công tác PCCC vì các phường xã kêu… không đủ ngân sách để đóng phạt! Nếu cháy ở nhà dân mà do người dân thiếu trách nhiệm, sở thường ít phạt do người dân đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Đối với các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu trách nhiệm thực hiện các biện pháp an toàn PCCC, để gây ra cháy, sở đều xử phạt nghiêm. Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan đơn vị và nhân dân, sở đang tham mưu cho UBND về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị nếu xảy ra cháy. Dự kiến, nếu thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy, người đứng đầu phải chịu hình thức xử lý kỷ luật, người gây ra cháy phải bồi thường thiệt hại do cháy, kể cả chi phí chữa cháy
Mạnh Hòa