Hẳn nhiên đó chẳng phải V-League hay một giải đấu nào khác trong nước diễn ra vào cuối tuần, mà là Premier League, Serie A, La Liga hay Bundesliga ở châu Âu xa xôi. Thậm chí, những khán giả trung thành của môn thể thao vua chấp nhận chỉ xem các ngôi sao hàng đầu thế giới chơi bóng trên truyền hình, thay vì lặn lội đến các sân cỏ trong nước để xem bóng đá vì cảm xúc đang nhạt nhòa.
Thực tế này nghe thì buồn, nhưng chúng ta buộc phải chấp nhận, vì chung quy bóng đá cũng chỉ là một môn thể thao giải trí, mà đã là giải trí thì “thượng đế” - tức người hâm mộ - chọn cách thưởng thức theo ý thích. Hơn nữa, bóng đá hiện đại ở châu Âu có sức hút rất lớn nhờ tính hấp dẫn và cách quảng bá hình ảnh, thương hiệu chuyên nghiệp hơn hẳn so với bóng đá ở xứ ta.
Chẳng thế mà khi World Cup 2010 khởi tranh, giới chức bóng đá Việt Nam phải điều chỉnh, xếp lùi lịch của giải V-League lại 1 tháng, vì sợ sân đã trống càng thêm vắng khán giả. Vòng chung kết Euro, Copa America, Confederations Cup… nhập cuộc, không khí bóng đá trong nước cũng vì vậy mà trầm hẳn. Từ lâu rồi, những người làm bóng đá Việt Nam phải chấp nhận thực tế ấy như thể đó là một phần của sự tồn tại.
Cuối tuần này, Premier League khởi tranh và khi trái bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ nước Anh, giới mộ điệu Việt Nam bỗng xao lãng giải V-League đang chạy nốt quãng cuối cùng của mùa bóng năm nay.
Hai vòng đấu cuối nếu ở xứ người sẽ đầy hứa hẹn. Nhưng 2 vòng đấu cuối ở V-League thì ngược lại, đã gần như ngã ngũ nên chẳng còn đáng chú ý, đáng quan tâm như trước nữa. Hay nói theo cách của những người hâm mộ khó tính, chính cuộc chơi V-League hời hợt, dễ đoán đã giết dần cảm xúc của họ, dù đôi lúc họ vẫn muốn được đến sân, được hòa mình trong cảm giác sôi động của một trận cầu nóng bỏng.
Thu hút khán giả là trách nhiệm của những trận đấu, chất lượng hay sự nổi tiếng của các cầu thủ trên sân sẽ quyết định đến sức sống của mỗi trận đấu. Thế nhưng ở đây, sân chơi V-League chưa làm được điều đó, hoặc có chăng chỉ loáng thoáng ở một vài thời điểm nào đó, rồi thôi. Tình trạng khán giả quay lưng lại với V-League ngày càng phổ biến là điều đáng phải suy ngẫm đối với VFF, với bản thân các cầu thủ, đội bóng, dẫu rằng V-League vẫn luôn được đánh giá là giải VĐQG hấp dẫn nhất vùng Đông Nam Á.
Thực ra, nếu các trận đấu không phải là những màn kịch được dựng sẵn, nếu tinh thần Fair-Play của FIFA được tôn vinh triệt để và nếu tất cả những tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào bóng đá ở Việt Nam cùng nghiêm túc, chuyên nghiệp trong nếp nghĩ và cách làm có lẽ V-League chẳng đến nỗi bị “thượng đế” quay lưng như thế.
Mới đây, kênh truyền hình K+ buộc phải thay đổi tư duy kinh doanh, buộc phải chiều theo “thượng đế” sau khi làn sóng phản đối dữ dội về chuyện K+ tuyên bố “ôm” độc quyền phát sóng các trận đấu của giải ngoại hạng Anh. Thế mới biết, sức hút của Premier League đối với người hâm mộ Việt Nam lớn đến cỡ nào. Thậm chí, trong trường hợp không giải quyết được khúc mắc giữa K+ và một số kênh truyền hình đối tác khác, các “thượng đế” chấp nhận trả tiền cao để được xem bóng đá châu Âu. Giá mà V-League cũng tạo được sức hút như thế thì tốt biết mấy?
Lê Quang