Quyết dẹp karaoke gây ồn

Không phải đến gần đây, khi Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn, “hung thần” karaoke ầm ĩ tại các khu dân cư mới được nhắc tới, mà đã từ lâu, vấn nạn hát karaoke với những chiếc loa mở âm lượng lớn đã trở thành nỗi khiếp sợ của cả xóm.

 Đã có rất nhiều người chịu không xiết tiếng ồn từ karaoke, nhẹ thì bước qua góp ý với hàng xóm, nặng thì phản ánh lên phường, xã, nhưng dường như “chuyện đâu vẫn còn đó”… Ai hát thì cứ hát, ai khó chịu thì mặc, không ít vụ việc xô xát, thậm chí có án mạng xảy ra cũng chỉ vì tiếng hát ầm ĩ từ dàn máy karaoke. Dĩ nhiên, chuyện hát karaoke không phải là xấu, nhưng hát lúc nào, âm lượng loa bao nhiêu là đủ, thì không phải ai cũng ý thức để làm được. 

Mặc dù đã xảy ra những hệ lụy và hậu quả đáng tiếc, nhưng việc quản lý, xử lý các hình thức karaoke tự phát hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, các quy định pháp luật hiện hành còn bất cập. Cụ thể là tại Nghị định số 155 quy định, đơn vị đo đạc tiếng ồn phải được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, song lại không đề cập đến phương tiện đo đạc; đồng thời không giao chủ tịch UBND cấp xã được xử phạt hành vi này, trong khi người hát karaoke gây ồn có thời điểm nhất định, tức thời nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc phối hợp kiểm tra, đo đạc, xác định vi phạm. Cùng đó, mức phạt hành chính với hành vi này hiện vẫn thấp (từ 100.000 - 300.000 đồng, theo Nghị định 167) nên chưa đủ sức răn đe...

Để giải quyết sâu xa “vấn nạn karaoke”, nhiều nơi đã đề xuất giải pháp. Trên diễn đàn về chủ đề này do Báo SGGP tổ chức trong hai ngày 5 và 6-3, nhiều ý kiến từ vĩ mô đến vi mô được đưa ra, từ việc cần ban hành một nghị quyết để giải quyết vấn đề này, cho đến những giải pháp cụ thể, như xử phạt, tịch thu phương tiện hát, tăng cường lực lượng kiểm tra và xử phạt ở cơ sở, đưa việc quy định giờ hát - âm lượng vào quy ước, hương ước ở địa phương… cũng được đề cập đến.

Từ thực tiễn giải quyết những vấn đề bức bách của xã hội thời gian qua, chúng ta thấy rằng giải pháp căn bản, đầu tiên để giải quyết vấn nạn tiếng ồn từ hát karaoke chính là hoàn thiện khung pháp lý và thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật. Xử phạt mà không nghiêm, không có tính chất răn đe về lâu dài thì hiệu quả không có. Cùng đó là phải tạo nhiều kênh tiếp nhận phản ánh của người dân, lập đội phản ứng xanh kịp thời có mặt tại nơi có hành vi vi phạm để xử lý. Song, biện pháp căn cơ nhất để giải quyết vấn nạn karaoke gây ồn chính là tác động vào ý thức người dân. Chúng ta có thể mở một cuộc ra quân đồng loạt ở nhiều địa bàn để vận động, giải thích một cách trực quan, sinh động về quy định pháp luật cùng những tác hại liên quan đến ô nhiễm tiếng ồn; các tổ chức chính trị-xã hội, nhất là MTTQ, Đoàn Thanh niên cùng tham gia giám sát tại địa bàn, khu phố mình ở. Khi người vi phạm hiểu được nỗi khổ khi phải “chịu trận” tiếng ồn karaoke, biết quý giờ nghỉ ngơi của mình và người khác… thì tự khắc họ sẽ biết hát karaoke lúc nào cho phù hợp, mở loa cỡ nào là vừa phải, là lịch sự, không ảnh hưởng chung quanh. 

Tin cùng chuyên mục