Ra ngõ gặp ba người...

Ra ngõ gặp ba người...

Hạ Văn là thư sinh, nổi tiếng là mọt sách, ai cũng nghĩ sau này Hạ Văn sẽ nên người nhưng chỉ thấy nhà của Hạ Văn ngày một thêm chất đầy sách mà chả thấy Hạ Văn làm được việc gì to tát.

Cũng may cha mẹ Hạ Văn có nhà ở mặt phố, chuyên buôn bán đồ cổ nên giàu có, nuôi được Hạ Văn ăn học, lại cho tiền Hạ Văn mua sách, giao du bạn bè trong Nam ngoài Bắc. Bố mẹ Hạ Văn đã nhiều lần chạy chọt cho Hạ Văn đi làm, toàn những chỗ sang trọng, an nhàn, nhiều bổng lộc nhưng đi làm được mươi hôm đã thấy Hạ Văn bỏ việc, hỏi tại làm sao thì Hạ Văn bảo rằng muốn làm được việc lớn nhưng họ không biết dùng người nên bỏ việc.

Mẹ Hạ Văn bàn với chồng, con nó không muốn đi làm nhưng tuổi cũng đã lớn, tìm cho con một cô vợ đẹp người đẹp nết may ra làm cho con nó thay đổi cách sống. Bố Hạ Văn cho là phải liền nhờ người mối lái, tìm được cô gái tuổi đôi mươi, con nhà gốc ở phố cổ vừa đẹp người vừa đẹp nết nhưng tiếp xúc được mấy lần thì Hạ Văn lắc đầu: “Cô ấy như bông hoa, có sắc mà không có hương”. Từ đấy Hạ Văn lại càng mua thêm nhiều sách.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

Bố mẹ, công việc, vợ đẹp không thuyết phục được thì chỉ còn cách duy nhất là nhờ bạn bè xem sao, mẹ Hạ Văn bảo với chồng, ông cho là phải liền ngỏ lời với Võ Môn là người bạn thân nhất của Hạ Văn. Võ Môn nhận lời làm thuyết khách. Ngày rằm tháng tám, tiết trời thu mát mẻ, Võ Môn và Hạ Văn ngồi uống trà sen Tây hồ dưới ánh trăng vằng vặc trên sân thượng. Võ Môn khen trà ngon, Hạ Văn bảo đây là trà ướp sen Tây hồ, ba trăm ngàn một lạng, nước pha trà là sương trời hứng bằng lá sen giữa hồ cũng phải mua hai trăm ngàn một lít. Đàm đạo về trà sen một hồi, Võ Môn hỏi Hạ Văn:

- Cậu đọc hàng bồ sách, há không vận dụng được chữ nào sao?

Hạ Văn cả cười:

- Đọc sách cốt giết thời gian, giải trí chứ làm được trò trống gì.

Võ Môn ngạc nhiên:

- Đọc sách của các bậc thánh hiền mà không học được điều gì thì khác chi nước đổ đầu vịt?

Hạ Văn bực lắm tranh luận kịch liệt bảo người tài làm ra sách chứ sách không làm ra được người tài, Hạ Văn muốn ra làm việc giúp đời nhưng không được đời trọng dụng nên về nhà đọc sách giải khuây đợi thời. Thuyết phục mãi không được, cuối cùng Võ Môn nói:

- Thôi được, cậu cứ thử học theo lời Khổng Tử dạy xem có kết quả không khắc biết sách vô dụng hay hữu dụng.

- Học cái gì từ sách của Khổng Tử?

- Khổng Tử dạy, ra đường, trong ba người thế nào cũng có một người làm thầy ta.

Hạ Văn cười nhạt:

- Ba trăm người cũng không có người làm nổi thầy ta chứ nói gì đến ba người. Được để ta thử xem.

Hôm sau, Hạ Văn dắt trong người rất nhiều tiền, lại đề phòng nhỡ tiền rơi mất nên đeo vào ngón tay chiếc nhẫn vàng to như con đỉa no máu, đeo thêm sợi dây chuyền to như dây xích chó vào cổ. Hạ Văn nhằm hướng Tây hợp với tuổi mình đi vi hành. Qua một trường đại học, gặp một người có vầng trán cao thông thái, tóc bạc, đeo kính lão, Hạ Văn nghĩ người này có thể làm thầy mình chăng? Liền ướm hỏi về nguyện vọng của mình, người này đáp:

- Ta có thể làm thầy ngươi.

- Làm thầy tôi như thế nào?

- Ta là giáo sư, ta có thể hướng dẫn ngươi làm luận án tiến sĩ.

- Làm tiến sĩ bằng cách nào?

- Bằng tài năng, sau sẽ trở thành nhà khoa học nổi tiếng. Còn bằng tiền, sau có thể làm quan.

Nghe thế, Hạ Văn nghĩ ngợi làm nhà khoa học tuy có danh nhưng không có tiền mà thời buổi bây giờ không có tiền thì coi như không có gì; còn làm quan nhờ vào bằng cấp mà không bằng tài năng thì muốn trụ được phải biết nịnh hót, đi cửa ngách luồn cửa sau cũng nhục lắm. Thế là Hạ Văn lắc đầu bỏ đi. Qua một nhà hàng sang trọng, thấy một người đàn ông thậm xấu vừa béo vừa lùn tịt nhưng ngồi cạnh một cô chân dài xinh đẹp, Hạ Văn nghĩ người này vừa già vừa xấu mà có người con gái đẹp như tiên đem lòng yêu thì hẳn là người tài, vậy có thể làm được thầy mình chẳng? Liền ghé vào làm quen. Người đàn ông nói:

- Ta có thể làm thầy ngươi.

- Làm thầy tôi bằng cách nào?

- Ta là doanh nhân, ta có thể dạy cho ngươi cách làm giàu.

- Làm giàu bằng cách nào?

- Quan trọng là phải có nghệ thuật bán hàng. Nếu sản xuất ra một chiếc ôtô bán một tỷ không có ai mua thì lập tức nâng giá lên thành mười tỷ rồi khuyến mãi giảm giá 80%, người ta sẽ chen nhau mà mua.

Hạ Văn cho thế là lừa gạt nên cũng bỏ mà đi. Thất vọng, Hạ Văn toan quay về nhà đọc sách nhưng nghĩ ba người đã gặp được hai, cố một lần nữa để cho Võ Môn trắng mắt ra mà xem sách dạy.

Lần này Hạ Văn đi về làng quê, qua một gốc đa gần bờ sông thấy phong cảnh đẹp như trong tranh liền ngồi nghỉ. Dòng sông nước chảy lững lờ, thỉnh thoảng có con thuyền nhỏ lướt qua, Hạ Văn nghĩ cuộc sống ở thôn quê thật bình yên hay mình về đây mua một mảnh đất, dựng một túp lều tranh, ngày ngày gối đầu trên rơm rạ đọc sách giải trí há chẳng sung sướng sao?

Đọc sách chán, mang cần câu ra bờ sông câu cá, thỉnh thoảng câu được cá sông tươi nguyên đem kho gừng hoặc nấu canh dưa ăn, há chẳng sung sướng sao? Nhưng mà, Hạ Văn bỗng thở dài, bọn dân quê đa phần là những kẻ thất phu, ít chữ nghĩa, về sống chung họ sẽ đến quấy rầy, khi thì vay tiền lúc thì qua nhà gạ gẫm uống rượu, thậm chí có kẻ trưởng giả học làm sang, không biết đọc nhưng vẫn mượn sách về xem không khéo đi ỉa không có giấy chùi lại chả tiện tay xé sách của mình chùi đít thì sao? Thôi cứ ở thành phố văn minh, thi thoảng hạ cố về chốn thôn giã sống vài ngày, thay đổi không khí là thượng sách.

Hạ Văn đang mải suy nghĩ thì có đứa trẻ cưỡi trâu đi qua, nó ngắm nhìn Hạ Văn từ đầu đến chân, thấy ăn mặc sang trọng, lại đeo nhẫn vàng, dây chuyền vàng thì biết ngay là khách thành phố vãng lai qua làng. Đứa trẻ trâu chõ mồm xuống bảo:

- Ông hãy tháo nhẫn vàng, dây chuyền vàng cất đi kẻo làm mồi cho bọn trộm cướp đấy!

Hạ Văn cười to, đến giáo sư, doanh nhân còn chả làm được thầy ta huống chi mày là đứa trẻ trâu thất học. Đứa trẻ trâu tỏ ra bình thản trước câu nhục mạ của Hạ Văn, nó quất trâu bỏ đi, được một đoạn liền họ con trâu dừng lại, nhảy xuống lưng trâu, chạy ngược trở lại đến bên Hạ Văn bảo:

- Mạng sống quý hơn vàng, ông nhớ lấy!

Hạ Văn phảy tay ra chiều đuổi đứa trẻ trâu hãy đi đi đừng quấy rầy nữa. Thấy đứa trẻ vẫn đứng nhìn mình, Hạ Văn thầm bảo biết ngay mà, bọn dân quê thất học hay giở trò, chắc thằng này muốn xin tiền đây, thôi bố thí cho nó vài ngàn để nó biến đi cho đỡ rách việc. Hạ Văn móc túi lấy ra mấy ngàn lẻ cho đứa trẻ trâu, nó lắc đầu đi lại phía con trâu, bám hai tay vào lưng trâu rồi nhảy phốc lên, cưỡi trâu thong dong về làng. Hạ Văn nghĩ chắc đứa trẻ trâu chê ít tiền nên không lấy, đúng là dân quê ăn xin còn đòi xôi gấc. Mình mua đất về đây ở không thành ngu dân cũng thành mọi rợ.

Gió, gió hiu hiu từ mặt sông thổi lên, mát mẻ quá, Hạ Văn lấy lon nước ngọt ra uống, lại lấy sách ra đọc, được vài trang, đôi mắt Hạ Văn lim dim rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

- Lột nhẫn vàng, dây chuyền ra không thì chết!

Hạ Văn choàng tỉnh, trước mắt là hai tên cướp đang lăm lăm hai con dao sáng loáng. Hạ Văn sợ quá đái cả ra quần. Chợt nhớ lời đứa trẻ trâu, Hạ Văn tháo nhẫn và dây chuyền dâng cho hai tên cướp. Chưa hết chúng còn khám người lột sạch số tiền đi đường của Hạ Văn. Đợi cho hai tên cướp đi xa, Hạ Văn mới cắm đầu chạy vào trong làng, miệng lẩm bẩm:

- Thầy ta! Thầy ta!

Vũ Đảm

Tin cùng chuyên mục