Rắc rối trong quản lý vận hành nhà chung cư

Chung cư lô M - Bàu Cát 2 (phường 10 quận Tân Bình) được đưa vào sử dụng từ năm 2007, có 260 hộ dân cư ngụ. Chung cư thực hiện mô hình dân tự quản, đại diện là Ban quản trị chung cư, hoạt động từ năm 2009. Nhiều rắc rối, thưa kiện xảy ra, ban quản trị bị giải tán và dân bầu lại ban quản trị mới vào đầu năm 2013. Rắc rối cũ chưa giải quyết xong, rắc rối mới lại chồng thêm với nhiều đơn thưa kiện, tố cáo.

Chung cư lô M - Bàu Cát 2 (phường 10 quận Tân Bình) được đưa vào sử dụng từ năm 2007, có 260 hộ dân cư ngụ. Chung cư thực hiện mô hình dân tự quản, đại diện là Ban quản trị chung cư, hoạt động từ năm 2009. Nhiều rắc rối, thưa kiện xảy ra, ban quản trị bị giải tán và dân bầu lại ban quản trị mới vào đầu năm 2013. Rắc rối cũ chưa giải quyết xong, rắc rối mới lại chồng thêm với nhiều đơn thưa kiện, tố cáo.

        Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

Do ban quản trị đã có nhiều khuất tất trong việc điều hành, hoạt động, ngày 27-1-2013, UBND phường 10 đã tổ chức hội nghị nhà chung cư lô M. Theo công bố của Ban thanh tra, lãnh đạo ban quản trị đã tự ý rút tiền từ nguồn quỹ bảo trì và sử dụng không đúng mục đích, nhiều khoản chi sai, chi không rõ ràng… Trong tình hình này, một ban quản trị mới đã hình thành, ra mắt và cam kết nhiều điều. Nhưng rồi đến đầu năm 2014, nhiều cơ quan chức năng ở quận Tân Bình và TPHCM lại nhận được đơn thư tố cáo về những khuất tất trong điều hành hoạt động của ban quản trị mới. Theo đó, ban quản trị đã tự ký hợp đồng bảo trì thang máy với một doanh nghiệp, giá trị hợp đồng lên đến hơn 210 triệu đồng/năm và kéo dài hợp đồng trong 3 năm. Trước đó, ban quản trị đã ký hợp đồng sửa chữa thang máy với đơn vị nói trên, trị giá hợp đồng hơn 200 triệu đồng. Nguồn tiền được lấy từ quỹ bảo trì chung cư. Ban quản trị cũng không tổ chức đấu thầu dịch vụ bảo vệ, tự ký hợp đồng với một đơn vị dịch vụ bảo vệ với giá trị hợp đồng lên đến hơn 600 triệu đồng/năm.

Một vấn đề nữa mà cư dân chung cư lô M khá bức xúc là việc bị thu phí chồng lên phí. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 6-2013, ban quản trị đã thu thêm tiền xử lý nước thải, dù phí này đã được người dân đóng vào tiền nước hàng tháng do ngành cấp nước thu. Ước tính, tiền xử lý nước thải thu thêm lên đến gần 40 triệu đồng.

        Vi phạm quy chế quản lý, sử dụng chung cư

Nguyên nhân bất ổn kéo dài bắt nguồn từ việc thực hiện chưa đầy đủ quy chế dân chủ trong nội bộ chung cư. Theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành, kinh phí duy tu, sửa chữa thang máy phải trích từ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, việc trích từ quỹ bảo trì là sai. Ngoài ra, theo điểm C khoản 3 Điều 11 của quy chế “khi lựa chọn doanh nghiệp bảo trì nhà chung cư, phải thông qua hội nghị nhà chung cư và thực hiện theo quy định Luật Đấu thầu năm 2005”. Ngoài ra, cư dân phản ánh tiền thu phí giữ ô tô, chi bồi dưỡng ban quản trị, chi phí mua sắm vật tư, tăng phí dịch vụ, lấy quỹ thừa thu được từ tiền nước sinh hoạt để mua sắm camera… đã không được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến của cư dân thông qua hội nghị nhà chung cư.

Ngày 8-11-2013, trước nhiều ý kiến phản ánh của cư dân lô M, UBND phường 10 đã ra thông báo thành lập Tổ kiểm tra hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư. Theo phản ánh của các thành viên tổ kiểm tra, khi tiến hành kiểm tra đã không nhận được sự hợp tác đầy đủ từ ban quản trị, thậm chí có người còn bị đe dọa qua tin nhắn rác. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận, ngày 7-4-2014, UBND phường ra quyết định thành lập Tổ Thanh tra nhân dân, tiến hành kiểm tra các phản ánh của cư dân lô M đối với hoạt động của ban quản trị. Cũng trong ngày 7-4-2014, UBND phường 10 ra thông báo để nghị ban quản trị tổ chức hội nghị nhà chung cư lô M trước ngày 15-4. Hội nghị được triệu tập nhưng do không đủ số lượng, thành phần nên lại hoãn.

Phản ánh với Báo SGGP, các cư dân lô M tiếp tục kiến nghị địa phương tiến hành xong việc thanh tra, kết luận rõ ràng, từ đó mới có cơ sở để triệu tập hội nghị nhà chung cư, bầu lại ban quản trị, xây dựng quy chế, giải quyết rốt ráo các vướng mắc trong thu chi, tài chính…

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục