Bãi rác Đông Thạnh
Từ năm 2002, do bãi rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM) đã quá tải và có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng khu dân cư xung quanh và nguồn nước sông Sài Gòn, UBND TPHCM đã quyết định đóng cửa bãi rác này. Thế nhưng suốt 11 năm nay, mặc dù bãi rác đã đóng cửa nhưng mỗi ngày vẫn có nhiều xe chở rác, chất thải mang vào đổ, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm ngày càng trầm trọng
Người dân xã Đông Thạnh đã hy vọng sau khi đóng cửa bãi rác, tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe cư dân sẽ không còn nữa và nước sông Sài Gòn không còn bị ô nhiễm do nước từ bãi rác chảy ra. Thế nhưng, thực tế đến nay, hàng ngàn hộ dân cư ngụ xung quanh bãi rác vẫn sống trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm nặng nề.
Có mặt tại bãi rác này, chúng tôi chứng kiến trên các con đường hướng về bãi rác Đông Thạnh, dòng xe chở rác vẫn cứ đổ về. Bây giờ bãi rác đã được bao bọc bởi vành đai cây xanh của vườn ươm. Tuy vậy, cách bãi rác chừng vài trăm mét đã nghe mùi rác, đến gần càng nồng nặc hơn. Ông Trần Văn Ước, ngụ tại ấp 7 xã Đông Thạnh, than: “Bây giờ, các chất thải người ta đem về đổ vào bãi rác còn độc hại hơn trước nhiều. Không chỉ có mùi hôi, các cư dân quanh đây còn phải chịu cảnh ngột ngạt vì mùi khói đốt rác nồng nặc. Lại thêm vườn ươm thường xuyên phun thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, khiến môi trường càng ô nhiễm hơn”. Bà Tô Thị Lan cũng ở ấp 7, cho biết thêm: “Bãi rác nằm giữa các ấp 2, 3, 4, 5 và 7 của xã Đông Thạnh, khiến người dân luôn phải hít khói độc do đốt rác. Ai hít phải khói là rát họng, tức ngực... Nhà nào cũng phải che chắn, đóng kín cửa nhưng vẫn không tránh được ô nhiễm”.
Chất thải độc hại vẫn đổ về
Mặc dù bãi rác Đông Thạnh đã bị đóng cửa, nhưng trên thực tế vẫn còn hoạt động. Cứ 10 - 15 phút lại có một chuyến xe chở rác đổ vào bãi. Các xe chở rác không chỉ mang biển số TPHCM mà còn có nhiều xe của các tỉnh lân cận, chở nhiều loại chất thải khác nhau. Xe bồn chở chất thải lỏng, hóa chất; xe tải chở chất thải rắn và xe mang dấu chữ thập đỏ chở chất thải từ các bệnh viện, trung tâm y tế. Với quy mô và số lượng xe nối nhau chạy vào đổ rác như hiện nay, không thể nói là bãi rác Đông Thạnh đã đóng cửa. Điều này cho thấy bãi rác chỉ đóng cửa trên giấy, còn thực tế vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Lực lượng bảo vệ bãi rác canh gác cổng nghiêm ngặt. Theo quy định, những người lạ, không phận sự tuyệt đối không thể vào trong bãi. Không thể vào bằng cổng chính nên ông Trần Văn Ước dẫn chúng tôi băng vườn ươm tiếp cận tường rào bãi rác. Cách tường rào không xa, gần trường học, có một khu xử lý chất thải quy mô lớn đang hoạt động. Khói vàng mờ từ khu đốt rác bốc lên. Ông Trần Văn Ước cho biết, hầu như ngày nào trạm đốt rác cũng hoạt động. Những ngày rác về nhiều, chất thải độc hại chỉ được chôn lấp mà không cần xử lý. Đơn vị quản lý bãi rác cứ căn cứ theo số lượng rác vào bãi để nhận tiền, còn hậu quả cứ mặc người dân và xã hội phải gánh chịu.
Được biết, vào năm 2008, lực lượng công an đã bắt quả tang đơn vị quản lý bãi rác chôn 800 tấn chất thải độc hại không qua xử lý. Bãi rác không chỉ nhận rác của TPHCM mà từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đổ về đây. Có nhiều đêm, bà con ở đây đếm được trên 300 chuyến xe chở rác vào bãi rác Đông Thạnh.
TRẦN YÊN