Sáng tạo để truyền tải kiến thức

Không chỉ thổi luồng gió mới vào lớp học, những dự án dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin luôn thắp sáng đam mê, nhiệt huyết cho thầy và trò trong hành trình khám phá kiến thức.
Sáng tạo để truyền tải kiến thức

Không chỉ thổi luồng gió mới vào lớp học, những dự án dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin luôn thắp sáng đam mê, nhiệt huyết cho thầy và trò trong hành trình khám phá kiến thức.

Lan tỏa niềm vui chung

Chia sẻ niềm vui vừa đoạt giải nhất về dự án “Tôi yêu tiếng nước tôi” tại cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT)” năm 2016, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Microsoft tổ chức ở Hà Nội mới đây, cô Trần Thị Quỳnh Anh, giáo viên Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TPHCM), cho biết: “Ban đầu khi tham gia dự án, nhiều học sinh lớp 10 còn bỡ ngỡ với cách học mới đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, làm việc nhóm để tìm tòi tư liệu, phát triển ý tưởng của giáo viên. Tuy nhiên, nhờ sự tiếp sức và khơi gợi đam mê, năng lực, sở trường của từng em, học trò đều hứng thú tham gia dự án. Sau 2,5 tháng, sản phẩm sáng tạo này đã hoàn thành với sự góp sức, nhiệt huyết của học trò. Học và trải nghiệm thực tế đã giúp học sinh của tôi yêu thích, cảm thụ môn Văn tốt hơn, thẩm thấu các giá trị sống nhân văn hơn”.

Cô  Trần Thị Quỳnh Anh  đoạt giải nhất tại cuộc thi“Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2016


Không chỉ khó khăn trong việc thay đổi tư duy, chuyển đổi cách học thụ động tiếp nhận kiến thức một chiều của học sinh, giáo viên còn phải thuyết phục phụ huynh cho con em họ tham gia dự án vì đòi hỏi thời gian, công sức đầu tư rất nhiều. Và sau những nhọc nhằn, vất vả đầu tư cho đứa con tinh thần, học sinh và cô giáo Quỳnh Anh đã vinh dự đón nhận thành quả sáng tạo - thực học, thực hành. Cũng theo cô Quỳnh Anh, là môn đặc thù nên Ngữ văn đòi hỏi cách dạy phải đổi mới để chạm vào trái tim người học, giúp học sinh biết cách cảm thụ những giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống, con người, di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có tiếng mẹ đẻ. Và cái được mà dự án mang lại chính là giúp học trò hiểu thêm về trách nhiệm công dân, chung tay lan tỏa ý nghĩa cũng như thông điệp “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

Cuộc thi năm nay thu hút hơn 1.800 bài thi trên khắp cả nước, trong đó có 71 sản phẩm lọt vào vòng chung kết. Riêng đoàn của TPHCM có 31 dự án tham gia thì đã có 17 dự án được chọn vào vòng chung kết, với 1 giải nhất, 1 giải nhì và 5 giải ba, 10 giải khuyến khích và 1 giải tập thể. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, trong những dự án tham gia cuộc thi và được trao giải, có nhiều đề tài gần gũi, mang hơi thở cuộc sống như “Điều tôi mong ước; Một ngày làm sử gia; Đôi mắt...”. Và những “đứa con tinh thần” được tuyên dương lần này đã thắp sáng thêm khát vọng đổi mới và sáng tạo trong dạy học. Không những thế nó cũng là những phát pháo - mở đường cho việc ứng dụng rộng rãi phương pháp giáo dục tiên tiến - dạy học theo dự án, dạy tích hợp, liên môn mà ngành GD-ĐT đang hướng tới.

Kích hoạt thêm các dự án sáng tạo

Tham dự cuộc thi cấp quốc gia “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” năm 2016, nhiều giáo viên cho biết họ học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm cùng các phần mềm dạy học lý thú, bổ ích. Chia sẻ niềm vui dự án “Học Lịch sử lớp 4 bằng phần mềm trực tuyến” được lọt vào vòng chung kết cấp quốc gia, thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), nói rằng chỉ cần giáo viên chủ động, say mê tìm cách thể hiện mới, làm sống động tiết học bằng ứng dụng các công cụ hiện đại, tiện ích của CNTT là học sinh được hưởng lợi rất nhiều. Đừng nghĩ học sinh tiểu học còn nhỏ nên chưa thể sáng tạo và tham gia các dự án mà thầy cô lên ý tưởng thiết kế. Khi chọn những đề tài gần gũi thiết thực với cuộc sống, phù hợp với lứa tuổi của các em như dự án “Con đã lớn” hoặc phần mềm học Sử lớp 4…, học sinh tiểu học cũng nhiệt tình tham gia và thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo đến không ngờ.

Để thay đổi cách dạy và học theo hướng sáng tạo, làm mới kiến thức cho học trò, từng bước thoát khỏi cái bóng của sách giáo khoa, ngành GD-ĐT TPHCM đã đi đầu trong việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về CNTT, từ  bước đệm đổi mới giáo viên đến 500 dự án dạy học sáng tạo được kích hoạt ở các cấp học trong năm học 2015-2016. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trong năm học mới 2016-2017, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình này, khuyến khích giáo viên chủ động cập nhật, ứng dụng các tiện ích mới nhất của CNTT để đổi mới phương pháp dạy học. Thông qua cầu nối dạy học theo dự án, giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT, các trường sẽ đẩy mạnh chủ trương dạy tích hợp, liên môn. Từ đó sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế, mở mang kiến thức, phát huy tính năng động, sáng tạo, rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết như làm việc nhóm, thuyết trình…

Theo các chuyên gia giáo dục, muốn đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông thì cần coi trọng vai trò ứng dụng CNTT trong trường học. Cùng với việc trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại, đòi hỏi người thầy phải chủ động, đi đầu trong sáng tạo, ứng dụng CNTT để truyền tải kiến thức, làm mới tiết học. Trong lúc chờ đợi cả đoàn tàu giáo dục cùng tăng tốc đổi mới thì mỗi ý tưởng và sản phẩm dạy học sáng tạo của giáo viên ở TPHCM cũng góp phần thổi luồng gió mới vào trường học.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục