Sao chưa xử lý?

Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ căn hộ 309 chung cư Sư Vạn Hạnh, phường 9, quận 5, TPHCM) gửi đơn đến Báo SGGP, bức xúc phản ánh sự việc bị một người ở cùng chung cư đánh đập thô bạo gây chấn thương, công an địa phương đã thụ lý nhưng đến nay sau nửa năm vẫn chưa kết luận xử lý.

Do ông Lê Văn Út ở căn hộ 409 (tầng trên căn hộ của bà Lan) gia công kim hoàn tại nhà gây ồn ào, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình bà Lan, nên bà Lan làm đơn phản ánh chính quyền địa phương và ban quản lý chung cư, nhưng sự việc chưa được giải quyết. Đến ngày 26-12-2012, khi phát hiện hộ ông Út tiếp tục gây ồn, gõ đập ầm ĩ trên trần nhà mình, bà Lan đã báo Công an phường 9 quận 5 đến kiểm tra.

Sau khi đưa anh cảnh sát khu vực đến căn hộ của ông Út để kiểm tra, bà Lan vừa quay xuống cầu thang thì gặp ông Út. Đang tức giận vì bị bà Lan khiếu nại và đưa công an lên nhà mình kiểm tra, nên ông Út nhảy bổ vào đấm liên tục vào mặt và đầu bà Lan, khiến bà té ngã xuống cầu thang. Sau đó, ông Út còn túm 2 chân bà Lan lôi xềnh xệch từ giữa cầu thang tầng 3 xuống, khiến lưng bà Lan va đập liên tục vào bậc cầu thang.

Khi nghe bà Lan kêu cứu, một số người ngụ gần đó chạy đến can ngăn, ông Út mới chịu ngừng tay. Bà Lan phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu với thương tích bầm tím mặt, sưng mắt trái, chấn thương đầu, vai và đau cột sống.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường 9 quận 5 đã tiếp nhận hồ sơ, ghi nhận vụ việc và chuyển Công an quận 5 xử lý. Tuy nhiên, mãi tới hơn 1 tháng sau, ngày 28-1-2013, Công an quận 5 mới yêu cầu bà Lan đi giám định thương tích tại Trung tâm Pháp y TPHCM để có cơ sở giải quyết.

Trước yêu cầu này, bà Lan nói: “Lúc đó, những thương tích của tôi đã được điều trị khỏi rồi thì còn giám định cái gì? Cơ quan điều tra đã không yêu cầu pháp y kết luận thương tích của tôi vào thời điểm bị đánh như thế nào, bao nhiêu phần trăm mà chỉ yêu cầu xác định có cố tật hay không. Sau khi tôi bị đánh đến 3 tháng, cơ quan điều tra lại tiếp tục yêu cầu tôi đi giám định tại Viện Pháp y quốc gia (phân viện tại TPHCM).

Cũng như lần trước, cơ quan điều tra cũng chỉ yêu cầu giám định có cố tật hay không. Nội dung biên bản trả lời kết luận của Viện Pháp y quốc gia còn ghi sai cân nặng của tôi (tôi cân nặng có 41kg mà ghi thành 55kg). Lẽ ra khi giám định thương tật, cơ quan điều tra cần phải ghi rõ giám định thương tích vào thời điểm nào thì cơ quan giám định mới chiếu theo cố tật và bệnh án của bệnh viện để kết luận phù hợp.

Nguyên nhân tôi bị đánh là do khiếu nại chuyện ông Út gia công tại nhà gây ồn ào, nhưng không hiểu sao biên bản của Công an phường 9 quận 5 không ghi rõ tôi bị ông Út đánh và bị kéo lê trên cầu thang, mà lại ghi là “đánh nhau”. Và biên bản kết luận của Viện Pháp y quốc gia lại ghi là do tôi “làm dột nước xuống nhà ông Út, gây mâu thuẫn dẫn tới việc đánh nhau”. Sự việc xảy ra đã 6 tháng nhưng vẫn chưa xử lý. Chi phí thuốc thang, giám định cũng không có ai bồi thường”.

Sau khi nhận được đơn phản ánh của bà Lan, ngày 4-4-2013 PV Báo SGGP đã làm việc với Công an quận 5 về vụ việc này. Ngày 17-4, Đại tá Lê Phước Trường, Trưởng Công an quận 5, đã có công văn phản hồi, cho biết đang tiến hành xác minh để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy Công an quận 5 kết luận xử lý vụ việc này.

TIẾN ĐẠT

Tin cùng chuyên mục