SNG và kế hoạch di cư mới của IS

Sau cái chết của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi và sau hàng loạt đối tượng đầu sỏ bị đánh bật khỏi Trung Đông, nhất là ở Syria và Iraq, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng buộc phải chuyển sang Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Tuy nhiên, đây được dự báo cũng chỉ là một chốt chặn trước mưu đồ mở rộng mạng lưới khắp toàn cầu của tổ chức này.
Lực lượng an ninh Iraq kiểm soát chặt chẽ phía Bắc Baghdad. Ảnh: Jerusalem Post
Lực lượng an ninh Iraq kiểm soát chặt chẽ phía Bắc Baghdad. Ảnh: Jerusalem Post

Di cư đến các nước SNG

Hãng tin Al-Arabiya ngày 4-12 đưa tin, lực lượng an ninh Iraq đã bắt giữ Abu Khaldoun, cấp phó của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một chiến dịch ở Kirkuk, phía Bắc Baghdad.

Trước đó, hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3-12 cho biết chính phủ nước này đã trục xuất 5 tay súng quốc tịch Đức bị tình nghi là những tay súng thuộc IS trong một chiến dịch diễn ra gần đây ở miền Bắc Syria. Việc trục xuất những đối tượng trên diễn ra sau khi Ankara tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria hồi tháng 10 vừa qua.

Sau khi nhóm khủng bố này bị đánh bại ở Iraq và Syria, IS buộc phải chuyển trọng tâm sang các lãnh thổ thuộc SNG như Kazkhastan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyryzstan và Armenia… Hãng Thông tấn TASS dẫn lời người đứng đầu Trung tâm Chống khủng bố Andrei Novikov ngày 3-12 khẳng định đang xuất hiện một sự thâm nhập rộng rãi của các phiến quân, trong đó có việc lợi dụng các dòng người di cư, cũng như thông qua cái gọi là những người trở về. Hình thức thâm nhập trên là kết quả trực tiếp từ kế hoạch “di cư mới” của IS. Kế hoạch này liên quan tới hoạt động tái định cư của những đối tượng ủng hộ IS một cách nhiệt thành ở cái được gọi là những vùng đất thuộc Vương quốc Hồi giáo Caliphate.

Qua nhiều lần bị thu hẹp địa bàn hoạt động, IS chưa từng ngừng gieo rắc nỗi sợ hãi. Nhóm này đang lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới khủng bố toàn cầu và những hang ổ ngầm thực hiện các vụ tấn công trên toàn thế giới. Ngày 30-11, Cơ quan tuyên truyền Amaq của IS xác nhận đã thực hiện vụ tấn công khủng bố trên cầu London hôm 29-11, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của IS trong việc nhắm mục tiêu vào các nước đã tham gia liên minh chống nhóm thánh chiến Hồi giáo này.

Đông Nam Á không chủ quan

Phát biểu trong một cuộc họp của ASEAN tại Bangkok ngày 27-11, Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Muhyiddin Yassin cảnh báo các nước trong khu vực cần chuẩn bị sẵn tinh thần cho một cuộc chiến dài hơi chống lại các tư tưởng thánh chiến cực đoan. Theo ông Yassin, nguy cơ lớn nhất với các nước ASEAN là sự quay về của các phần tử đã tham gia IS ở Trung Đông. Những người này khi quay về nước sẽ truyền bá và gieo rắc các tư tưởng cực đoan cho người khác. 

Tờ SCMP trích lời quan chức chống khủng bố cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Nathan Sales cho biết, IS chưa trực tiếp tấn công khủng bố tại Đông Nam Á. Thay vào đó tổ chức này truyền lại những kỹ năng và chiến thuật khủng bố từ Trung Đông. Một trong những chiến thuật phổ biến nhất của tổ chức này là đánh bom tự sát.

Trước tình hình này, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang đề cao cảnh giác nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của IS. Ngày 21-11, ASEAN và 8 nước đối tác cũng  kết thúc một cuộc diễn tập chống khủng bố kéo dài 1 tuần tại Trung Quốc. Để ngăn chặn mối đe dọa từ IS, Malaysia đang tích cực sử dụng cơ sở dữ liệu của Interpol về hộ chiếu bị đánh cắp hoặc thất lạc để phát hiện những người nhập cảnh đáng ngờ. Theo Reuters, Malaysia đã ngăn chặn thành công 25 âm mưu tấn công khủng bố và bắt giữ hơn 500 nghi phạm trong 6 năm kể từ lúc IS trỗi dậy. Hồi năm 2016, IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công bằng lựu đạn ở Kuala Lumpur khiến ít nhất 8 người chết.

Tin cùng chuyên mục