Sớm giải quyết quyền lợi cho lao động nghỉ việc

Cản trở việc đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, công ty phải bồi thường thiệt hại

Đang hoạt động bình thường, mỗi ngày tiếp nhận bình quân 150 - 200 bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh, ngày 5-3-2011, Phòng khám đa khoa Minh Đức (phường 10 quận 6 TPHCM) nhận được quyết định tạm ngưng hoạt động.

Quyết định đóng cửa đột ngột phòng khám do chủ đầu tư - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Hoàng Khang (Công ty Hoàng Khang), Nguyễn Hoàng Tuyến ký, không chỉ khiến tập thể gồm bác sĩ, nhân viên y tế, bảo vệ bất bình (vì không được thông báo trước) mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn bệnh nhân sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tại đây.

Ngay sau đó, Công ty Hoàng Khang có quyết định bổ nhiệm thay mới giám đốc phòng khám Minh Đức. Sự xáo trộn về tổ chức và nội bộ này đã này khiến rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có TS-BS Phan Thị Hồ Hải làm đơn xin thôi giữ chức giám đốc, còn một số khác thì xin nghỉ phép.

Tại cuộc họp với tập thể nhân viên phòng khám vào ngày 24-3, với sự có mặt của đại diện Liên đoàn Lao động quận 6, ông Tuyến cam kết sẽ giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Theo đó, đến ngày 31-3, công ty sẽ trả tiền lương, tiền công suất tháng 2, cấp giấy xác nhận thâm niên, trả quyết định nghỉ việc, bản thanh lý hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội đã chốt đến hết ngày 31-3-2011 cho người lao động. Thế nhưng, từ đó đến nay, giám đốc công ty không thực hiện đầy đủ cam kết nêu trên, trong đó còn nợ tiền lương của người lao động từ ngày 8 đến 31-3.

Trong đơn khiếu nại gởi Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch công đoàn, và tập thể người lao động đã khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vụ việc tranh chấp này và buộc Công ty Hoàng Khang thanh toán dứt điểm những khoản còn nợ người lao động trong thời gian sớm nhất, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, công ăn việc làm.

Cũng do công ty chậm cấp quyết định nghỉ việc đúng thời hạn nên người lao động không thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Tính đến ngày 25-5, đã có tổng cộng 44 nhân viên và bảo vệ xin nghỉ việc nhưng giám đốc công ty vẫn chưa ký quyết định nghỉ việc cho họ.

Mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động nghỉ việc ở phòng khám này.

Cản trở việc đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, công ty phải bồi thường thiệt hại

Liên quan đến việc tranh chấp lao động giữa người lao động ở Phòng khám đa khoa Minh Đức và Công ty Hoàng Khang, luật sư Phạm Quang Hiệp (Văn phòng Luật sư Phạm Quốc Hưng) có ý kiến như sau:

Về quan hệ lao động, hai bên đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và công ty có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lương cho người lao động, kèm theo những thỏa thuận đã cam kết.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), người sử dụng lao động không được quyền giữ sổ BHXH và phải trả lại sổ cho người lao động khi không còn làm việc. Để hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải đến cơ quan lao động đăng ký về bảo hiểm thất nghiệp (hồ sơ phải có quyết định thôi việc hoặc biên bản chấm dứt hợp đồng lao động…).

Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thôi việc và pháp luật cũng nghiêm cấm việc không trả hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho họ (Điều 6, Điều 10 Nghị định 127CP ngày 12-12-2008).

Do Công ty Hoàng Khang không cung cấp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan như nêu trên, dẫn đến việc người lao động không thể đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, phải chịu thiệt thòi về quyền lợi.

Như vậy, công ty phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này. Nếu công ty thiếu trách nhiệm, tiếp tục chậm trễ thực hiện nghĩa vụ thì người lao động có quyền khởi kiện tại tòa án nơi đặt trụ sở của công ty để yêu cầu giải quyết.

Riêng đối với việc công ty không hoàn trả sổ BHXH và gây cản trở việc đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động có quyền yêu cầu thêm cơ quan lao động giải quyết.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục