Sống chung với bụi bặm, tiếng ồn

Dù từ lâu TPHCM đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nhưng thực tế đến nay một số cơ sở dệt, nhuộm vải rất ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong khu dân cư. Người dân sinh sống quanh đó phải khốn khổ chịu đựng tiếng ồn, bụi bặm, mùi hóa chất…
Sống chung với bụi bặm, tiếng ồn

Dù từ lâu TPHCM đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, nhưng thực tế đến nay một số cơ sở dệt, nhuộm vải rất ô nhiễm vẫn đang hoạt động trong khu dân cư. Người dân sinh sống quanh đó phải khốn khổ chịu đựng tiếng ồn, bụi bặm, mùi hóa chất…

Dân bị ô nhiễm, chính quyền bó tay

Đúng như đơn thư phản ánh của bạn đọc, vừa đến giao lộ Trần Văn Dư - Nguyễn Quang Bích (phường 13, quận Tân Bình), chúng tôi đã nghe tiếng ồn ào rất khó chịu phát ra từ Công ty Dệt may 7. Dù công ty có rào chắn khá kiên cố, nhưng tiếng rầm rầm của gỗ, sắt, thép vẫn phát ra ầm ĩ. Các nhà dân suốt đoạn đường này đều phải đóng kín cửa, trên các cánh cửa bám đầy muội vải vụn nhỏ li ti. Bà T.N. đã cho chúng tôi vào nhà và đưa lên tầng thượng để quan sát. Dù căn nhà đã lắp cửa cách âm, nhưng vẫn không thể ngăn được âm thanh rầm rầm từ Công ty Dệt may 7. Từ sân thượng nhà này có thể  thấy rất nhiều ống khói ở các xưởng, lúc thải khói trắng, lúc thải khói đen ngòm.  Bà T.N. than: “Nhà máy này đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nghe thành phố có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm khỏi khu dân cư, bà con ở đây ai cũng khấp khởi mừng. Nhưng rồi mãi đến nay, nhà máy này vẫn hoạt động. Khói, bụi, tiếng ồn từ nhà máy phát ra ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của chúng tôi. Xung quanh nhà máy còn có trường học, nhà trẻ, tội các cháu lắm! Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần với chính quyền địa phương, nhưng vẫn vậy”.

Cư dân phường Phước Long B (quận 9) cũng khốn khổ vì hoạt động của Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương gây ô nhiễm trầm trọng. Đứng ở khu vực cổng sau của công ty này một chút đã thấy mệt mỏi vì tiếng động ầm ầm phát ra như tra tấn. Chỉ tay về khu vực mới xây dựng, ông Cao Minh Hải (cư dân ở đây) ngán ngẩm: “Chả biết trong đó đang sản xuất cái gì, nhưng gần 1 tháng nay cứ phát ra tiếng động ầm ĩ. Chỉ có ngày nghỉ thì nơi đây mới tạm yên tĩnh. Chúng tôi đã phản ánh việc này với UBND phường Phước Long B, nhưng chưa thấy giải quyết gì cả!”.

Cư dân ở khu phố 3 phường An Phú Đông (quận 12) cũng khổ vì hoạt động giặt tẩy gây ô nhiễm. Bà Út (ở tổ dân phố 46) phản ánh: “Cơ sở giặt tẩy của ông Trần Công Trường thải mùi hóa chất nồng nặc cả khu phố. Nước thải đen ngòm, bốc mùi tanh rất khó chịu. Trời càng ngày càng nóng, mùi hôi càng nồng nặc hơn. Dân kêu cứu, năm ngoái, các cán bộ phường có đến cơ sở này để kiểm tra, nhưng mãi đến nay vẫn chưa thấy khắc phục!”.

Người dân phải chịu đựng tiếng ồn lớn phát ra từ Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Ô nhiễm còn trong hạn mức?

Chuyện các cơ sở dệt, nhuộm vải nêu trên gây ô nhiễm khu dân cư, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đều biết, nhưng đúng như cư dân phản ánh, đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ông Đỗ Tiến Đằng, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, tỏ tinh thần cầu thị: “Chúng tôi xin tiếp nhận phản ánh của nhà báo về việc Công ty cổ phần Dệt may Liên Phương gây ô nhiễm và sẽ tổ chức kiểm tra thực tế trong thời gian sớm nhất. Nhưng có lẽ còn phải chờ các số liệu đo đạc được về mức ô nhiễm thì mới có thể có giải pháp xử lý căn cơ hơn”.

Về việc nhà máy của Công ty Dệt may 7 vẫn tồn tại và hoạt động trong khu dân cư gây ô nhiễm, ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND phường 13, quận Tân Bình, cho biết: “Chúng tôi có nhận được đơn của người dân sinh sống ở khu vực này phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo vụ việc với  UBND quận Tân Bình để xin ý kiến, chỉ đạo. Đây không phải lần đầu cư dân khu vực này phản ánh và làm đơn kiến nghị. Cách nay hơn 1 năm, đoàn kiểm tra gồm đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, Thanh tra Môi trường Quân khu 7 và UBND phường 13 đã tiến hành lấy mẫu và đo đạc tiếng ồn ở Công ty Dệt may 7. Kết quả các chỉ số đều trong hạn mức cho phép”.

Tương tự, khi có phản ánh của người dân, UBND phường An Phú Đông đã có văn bản đề xuất UBND quận 12 chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan tham gia đoàn kiểm tra và tổ chức đo đạc môi trường tại cơ sở tẩy giặt do ông Trần Công Trường làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cách đây hơn 1 năm, cơ sở đã không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như hồ sơ pháp lý liên quan đến việc xây dựng và hoạt động của cơ sở. Kết quả các số đo nước thải và lò hơi ra sao, người dân chưa được biết. Nhưng, có điều lạ là cơ sở vẫn đang  ngày đêm hoạt động.

Việc kiểm tra không kịp thời, tập hợp “ban bệ” đông mà không tinh nhuệ, không tổ chức kiểm tra đột xuất để ghi nhận đúng thực trạng, thế nên dù dân phải ngột ngạt khó thở, nhức đầu vì ô nhiễm nhưng các chỉ số môi trường ở các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư vẫn thường là “trong hạn mức cho phép”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cư dân vẫn phải tiếp tục chung sống với khói, bụi, tiếng ồn, mùi hóa chất… Lẽ nào không có giải pháp hữu hiệu, căn cơ hơn?

THANH HẢI - ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục