Sứ mệnh của SEA Games 31

SEA Games 31 càng đến gần ngày khai mạc, càng xuất hiện nhiều dấu hỏi liên quan đến khâu an toàn sức khỏe trong bối cảnh ca mắc Covid-19 chưa có chiều hướng hạ nhiệt. 

Nhưng nước chủ nhà Việt Nam khẳng định sẽ tổ chức kỳ đại hội thể thao khu vực lần thứ 31 trong an toàn và lần đầu tiên trong lịch sử sẽ đạt chất lượng chuyên môn cao nhất, khi mà đa số trong 40 môn thuộc hệ thống thi đấu chuẩn của Olympic.

Đó là một lời cam kết đầy trách nhiệm của ngành thể thao, đi kèm những bước đi mạnh mẽ nhưng chắc chắn, cẩn trọng của Chính phủ Việt Nam để ứng phó với dịch Covid-19, như lộ trình mở cửa toàn bộ ngành du lịch trong tháng 3 này. Không dừng lại ở một sự kiện thể thao được đăng cai theo nghĩa vụ luân phiên, Việt Nam sẽ tổ chức SEA Games 31 với nỗ lực mang đến một không gian bình thường mới trong hoạt động giao thương của cả khu vực Đông Nam Á. 

Theo kế hoạch, sẽ có một số môn thi đấu và một số địa phương đăng cai theo hình thức “bong bóng tập trung” và không có khán giả vào sân. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm từ việc tổ chức các trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam, sự linh hoạt trong việc ứng phó đối với trường hợp của đội tuyển U23 Việt Nam tại sân chơi Đông Nam Á vừa qua, cho thấy ngành thể thao Việt Nam có đủ kinh nghiệm để đưa ra các phương án kịp thời cho công tác tổ chức SEA Games 31. Trước mắt, sẽ là cuộc chạy đua với quỹ thời gian hơn 2 tháng nhằm bảo đảm sự yên tâm cho các đoàn thể thao trong khu vực có thể cử lực lượng tốt nhất đển tham gia đại hội.

Trên thực tế, trước SEA Games 31, chỉ có Olympic mùa Đông tại Bắc Kinh (Trung Quốc) vừa kết thúc tháng 2 là sự kiện thể thao lớn đầu tiên được tổ chức trong năm 2022 và nằm trong làn sóng dịch thứ 4 mà thế giới phải đối mặt. Do không tham dự, nên những bài học có được từ sự kiện lớn này cũng khó áp dụng tại Việt Nam. Thách thức với nước chủ nhà Việt Nam tại SEA Games là vừa bảo đảm quy trình y tế, vừa cố gắng duy trì chất lượng chuyên môn ở mức cao nhất.

Sự xuất hiện những ca mắc mới Covid-19 tại SEA Games (nếu có) ít nhiều cũng tác động đến thành tích thi đấu, đặc biệt là ở những môn vốn không có nhiều đoàn tham gia. Nhiều bài toán sẽ xuất hiện và phải được giải quyết nhanh chóng, trong đó cũng không thể không nhắc đến những khó khăn ở công tác vận động tài trợ, tài chính trong hoàn cảnh chi phí điều hành sẽ tăng vọt theo sự phức tạp của dịch bệnh.

Nhưng rõ ràng, đây không phải là lúc “kêu khó”. Tính từ SEA Games 30-2019 đến nay, đã gần tròn 30 tháng các VĐV thể thao Việt Nam không được thi đấu ở một quy mô tập trung đông đảo và áp lực. Nên nói gì thì nói, SEA Games 31 vẫn mang theo mình nhiệm vụ khẳng định vị thế và tiềm năng của thể thao Việt Nam, tiếp tục là lá cờ đầu của thể thao khu vực khi tham dự các đại hội thể thao châu Á, Olympic. Kỳ vọng đang được bạn bè trong khu vực trao gởi, bởi SEA Games 31 là đợt tổng duyệt quan trọng nhất để các quốc gia Đông Nam Á chuẩn bị lực lượng dự Asiad 2022 diễn ra vào tháng 9 năm nay.

Và hơn thế, việc tổ chức thành công SEA Games 31 cũng là giúp Việt Nam thể hiện năng lực và chuẩn hóa những quy trình tổ chức, bảo đảm các điều kiện để đăng cai nhiều sự kiện thể thao quốc tế nói riêng, cũng như thúc đẩy quá trình mở cửa mạnh mẽ của các ngành dịch vụ, du lịch, giao lưu văn hóa thông qua hoạt động tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới. 

Tin cùng chuyên mục