Một số giáo viên, nhân viên là quần chúng ngoài đảng, đang công tác tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường 7, quận Gò Vấp, TPHCM) gọi đến đường dây nóng Báo SGGP thắc mắc về việc hiệu trưởng buộc phải về Đảng ủy phường nơi cư trú để xin giấy chứng nhận về ý thức chấp hành chủ trương, chính sách và mối quan hệ của cá nhân đối với địa phương (như việc chứng nhận của tổ chức Đảng nơi cư trú đối với đảng viên theo Quy định 76/TW của Bộ Chính trị). Không chỉ phải phiền hà như vậy, có những trường hợp lại bị phường buộc đóng phí bảo trì đường bộ mới được chứng nhận.
PV Báo SGGP đã gặp những người phản ánh để xác minh, và mang những thắc mắc này đến gặp bà Nguyễn Thị Hà, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 7, quận Gò Vấp, để tìm hiểu. Bà Hà cho biết: “Việc lấy ý kiến nhận xét cuối năm của tổ chức Đảng nơi cư trú thực hiện theo Quy định 76, chúng tôi chỉ triển khai cho đảng viên đang công tác, sinh hoạt tại tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ phường, chứ không triển khai việc lấy chứng nhận của địa phương đối với giáo viên, nhân viên của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là người ngoài đảng. Nếu phường có yêu cầu nhận xét đối với cán bộ, công chức chưa phải là đảng viên, thì chỉ triển khai đối với người đang công tác tại các cơ quan, đoàn thể thuộc sự quản lý của phường. Đối với trường học, đó là công việc thuộc phòng giáo dục”. Khi PV đưa ra văn bản của Đảng ủy phường 7 do Phó Bí thư thường trực Phạm Khôi Nguyên ký, yêu cầu lấy nhận xét của địa phương đối với một nhân viên của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là người ngoài đảng, bà Hà xem xong, khẳng định: “Đảng ủy phường không có chủ trương này, có thể hiệu trưởng có nhầm lẫn khi triển khai, chúng tôi sẽ trao đổi lại với trường. Tại phường 7 không hề có chuyện buộc đóng phí bảo trì đường bộ mới được chứng nhận giấy tờ”.
Trả lời về chuyện này, bà Tôn Nữ Phương Thắm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thừa nhận “có sự nhầm lẫn trong việc này; tôi sẽ cho thu hồi ngay các văn bản yêu cầu chứng nhận không đúng đối tượng”.
THƯ LÊ