
Tôi có một thú vui là “săn” sách cũ. Công việc này đối với tôi vừa hấp dẫn vừa hợp túi tiền nên nó thường mang đến cho tôi những niềm vui bất chợt. Trong đó, quyển sách đến với tôi cách đây ba năm từ đống sách cũ bên vỉa hè đã “lên ngôi” trên kệ sách trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

Quyển sách ra đời cách đây đã hơn một thập kỷ (1989) do Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành với tên gọi “Sự tầm thường nổi tiếng”(Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên biên soạn). Quyển sách tập hợp cả ngàn giai thoại. Đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo, dường như là sự giao thoa giữa văn học bác học và văn học dân gian. Giai thoại là những câu chuyện cực ngắn, hay và có thực được truyền tụng trong dân gian qua nhiều thế kỷ. Đó là một triết lý sống muôn hình, muôn vẻ của nhân loại. Đọc những giai thoại để tự răn mình, để có cách cư xử đúng đắn, để có cái nhìn đẹp hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống.
Đọc “Sự tầm thường nổi tiếng” ta gặp lại những nhân vật mà cuộc đời của họ gắn liền với sự phát triển của lịch sử nhân loại từ phương Đông đến phương Tây. Những con người đó với cách cư xử rất bình thường trong cuộc sống nhưng lại có sự thu hút kỳ lạ, người đọc lúc nào cũng đầy cảm xúc.
Ta bắt gặp Khổng Tử với sự cảm phục rất đời thường trước cách sống của một người đàn bà nông dân: “Khổng Tử đi chơi ngoài đồng, thấy người đàn bà đang khóc, hỏi duyên cớ thì được đáp: Hôm qua tôi cắt cỏ thi ở đây, tôi đánh mất cái trâm bằng cỏ thi nên khóc. Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi mà đánh mất cái trâm bằng cỏ thi thì việc gì phải khóc. Người đàn bà đáp: Tôi khóc vì thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, từ nay không thấy lại được nữa”. Đây rõ ràng là một bài học về nghệ thuật sống cho tất cả mọi người. Nhiều nhân vật lịch sử khác của Trung Quốc cũng xuất hiện trong quyển sách này như Mạnh Tử, Tào Tháo, Lý Bạch, Khuất Nguyên…
Rất nhiều gương mặt vĩ đại của nền văn học và triết học thế giới cũng góp mặt ở đây với những câu chuyện rất đời thường. Nhà triết học duy tâm vĩ đại của Hy Lạp Socrate nổi tiếng với phương pháp đàm thoại trong giáo dục (ông gọi là phương pháp đỡ đẻ) có những câu nói có thể làm kim chỉ nam cho cuộc sống như: “Điều duy nhất mà tôi biết là tôi không biết gì hết”, hay “Chân lý không trốn đi đâu”…
Đại thi hào Nga Puskin khi bé vào lớp mải lo làm thơ nên khi thầy giáo hỏi đáp số bài toán bằng mấy, đành trả lời liều bằng không. Văn hào Pháp Victor Hugo muốn viết xong quyển tiểu thuyết nhưng sợ mình thiếu kiên nhẫn nên cắt một nửa tóc và cạo một nửa râu để khỏi ra ngoài. Lev Tolstoi với nhiều nhân vật trong Chiến tranh và hòa bình được lấy từ hình ảnh của vợ và những người thân trong gia đình. Heminway viết văn để thanh toán nợ nần với câu hỏi lúc nào cũng thường trực trong đầu: “Có phải nghèo túng là nguồn cảm hứng tốt nhất đối với sự sáng tạo của nhà văn hay không?”. Còn rất nhiều nhân vật lớn xuất hiện ở quyển sách này như: Tshekhov, Tagore, Gorki, Vontaire, Rousseau…
Mỗi người một lối ứng xử đời thường nhưng bao giờ cũng có những cái rất riêng luôn làm cho người đọc lúc nào cũng có những cảm xúc xen lẫn sự thán phục.
Hàng ngày, tôi vẫn đọc quyển sách này. Thuộc làu rồi nhưng tôi vẫn thích đọc. Đọc để hiểu rõ hơn những giá trị văn học, mỹ học, đạo đức học, xã hội học… của những người làm sáng hơn văn hóa nhân loại. Đọc để sống tốt hơn, đọc để truyền lại cho những học trò của tôi nghệ thuật sống của những con người vĩ đại.
TRẦN MINH THUẬN
(GV Khoa Sư phạm - Đại học Cần Thơ)