Sự vô cảm đáng trách

Đến tận bây giờ, sau hơn 4 năm chờ đợi mỏi mòn, ông Nguyễn Thiết Minh (ngụ phường 11, quận 5, TPHCM) vẫn không biết vì sao mình chưa được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 142/2008/TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Đến tận bây giờ, sau hơn 4 năm chờ đợi mỏi mòn, ông Nguyễn Thiết Minh (ngụ phường 11, quận 5, TPHCM) vẫn không biết vì sao mình chưa được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định 142/2008/TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.

Ông Minh đã 76 tuổi, là thương binh hạng 1/4, bị nhiễm chất độc da cam, thân thể không còn nguyên vẹn, vết thương trên đầu đã khiến tay ông run rẩy và chân phải lê từng bước khó nhọc. Vậy mà ông đã phải gắng đi nhiều nơi để đáp ứng yêu cầu của cán bộ phụ trách chính sách Ban Chỉ huy quân sự (BCHQS) quận 5 về văn bản xác minh, xác nhận.

Ông Minh tham gia quân đội năm 1960. Năm 1974 ông bị thương, được điều trị tại các bệnh viện và trại điều dưỡng thương binh nặng. Tháng 1-2012, ông Minh đến BCHQS quận 5 nộp hồ sơ để hưởng chính sách theo Quyết định 142. Trung tá Nguyễn Hữu Hà - cán bộ giải quyết chính sách - nhận hồ sơ. 10 ngày sau, BCHQS quận 5 trả hồ sơ và yêu cầu đến Quân khu 7 để bổ túc hồ sơ. Tháng 5-2012, BCHQS quận 5 lại gọi ông Minh đến trả hồ sơ và yêu cầu về Quân khu 9 để xác nhận lại hồ sơ. Xin được giấy xác nhận, ông Minh nộp hồ sơ, nhưng vài ngày sau BCHQS quận 5 lại mời đến trả hồ sơ và bảo rằng công văn sai quy định. Mỗi lần trả hồ sơ cho ông Minh, Trung tá Hà chỉ dán một miếng giấy nhỏ yêu cầu đi các nơi để xác minh, xác nhận.

Lẽ ra với thủ tục cải cách hành chính như hiện nay, cán bộ tiếp dân phải có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản và chỉ một lần hướng dẫn như vậy là hoàn tất hồ sơ. Trong công văn xác nhận quá trình công tác của ông Minh, Phòng Cán bộ (Cục Chính trị Quân khu 9) đã ghi dòng chữ rất nghĩa tình: “Đồng chí Nguyễn Thiết Minh là thương binh hạng 1, đi lại rất khó khăn, các cơ quan nên chiếu cố về mặt thủ tục để giải quyết, tránh hướng dẫn đi lại nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”. Vậy mà hồ sơ vẫn chưa xong, lần trả hồ sơ cuối cùng lại có miếng giấy nhỏ kèm theo và ghi là sai quy định, ông Minh cũng không biết mình bị sai cái gì.

Tháng 7-2012, Phường đội phó phường 11, quận 5 Trần Hoàng An đến nhà ông Minh và yêu cầu ông Minh cho phường đội mượn lại 5 bộ hồ sơ (1 bộ hồ sơ chính và 4 bộ hồ sơ photocopy có công chứng) xem lại. Trong đó gồm: giấy chứng nhận quân nhân bị thương, công văn của Phòng Cán bộ (Cục Chính trị Quân khu 9), quyết định xuất trại của Sở LĐTB-XH tỉnh Bến Tre. Và rồi đến nay cả 5 bộ hồ sơ đều bị thất lạc.

Ông Minh buồn buồn tâm sự: “Tôi không còn sống được bao lâu nữa. Vợ cũng đi bộ đội và bị chất độc da cam. Nhà đơn chiếc không có con cái. Do vậy, vợ chồng tôi sống lây lất qua ngày bằng lương hưu và tiền trợ cấp thương binh cũng được. Hồi nào đến giờ vẫn vậy mà. Nếu được hưởng thêm trợ cấp theo Quyết định 142 thì vui, còn khó quá thì thôi. Nhưng, bộ hồ sơ bản chính thì phải trả cho tôi, vì đó là bằng chứng hào hùng, kỷ niệm tốt đẹp của những tháng ngày tôi tham gia đánh giặc cứu nước”. Mong Phường đội phường 11 và BCHQS quận 5 thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục