Năm 2017, bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi thêm phong phú hơn nhờ một loạt những tác phẩm quan trọng được tặng hoặc mua lại. Loạt tranh đầu tiên gồm 13 tác phẩm của nhiều họa sĩ Trường Mỹ thuật Nam Kỳ trong giai đoạn 1930-1940, do ông Marcel Schneyder trao tặng để công chúng có thể thưởng lãm. Ngoài ra, bảo tàng còn nhận được 4 chiếc bình cổ, gây ấn tượng vì kích thước, chất lượng và sự độc đáo trong họa tiết trang trí. Cuối cùng phải kể đến nhiều tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ, được bà Mai Lan Phương, con gái của họa sĩ tặng cho bảo tàng. Theo RFI, bà Anne Fort, người phụ trách bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, đánh giá những tác phẩm của họa sĩ Mai Thứ mang ý nghĩa rất lớn đối với bảo tàng.
Những món quà nhận được trong năm 2017 đã làm phong phú thêm bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi, hiện có hơn 1.800 tác phẩm, chiếm gần 10% số tác phẩm của bảo tàng. Năm ngoái, khi bảo tàng nhận được những bức tranh do một số họa sĩ trường Gia Định vẽ, tình trạng của những tác phẩm này rất xấu vì chúng chỉ được bảo quản trong một chiếc túi bảo vệ rất bình thường. Vì thế, tất cả mép của những bức tranh này bị thiếu, một số tranh bị thủng, có thể là do mối mọt ăn mất giấy. “Cả mùa xuân 2018, chúng tôi đã phục hồi, trùng tu những tác phẩm này nhờ tay nghề của những người thợ phục hồi giấy đầy kinh nghiệm. Chúng tôi đã lót thêm phần bị thiếu, sau đó là đóng khung. Nhờ công việc này, tình trạng cho các bức tranh đã được khôi phục”, bà Anne Fort nói.
Cũng theo bà Anne Fort, bộ sưu tập Việt Nam của bảo tàng Cernuschi không có quy mô lớn nhưng khá hiếm vì rất ít cơ sở ở Pháp quan tâm thật sự đến Việt Nam, đặc biệt là Việt Nam ở thế kỷ 20 (ngoài bộ sưu tập khảo cổ rất lớn của bảo tàng Guimet). Bà Anne Fort cho rằng, ở Paris nói riêng và ở Pháp nói chung, một điều may mắn là còn rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được bảo quản ở nhà dân. Những người này thường có cha mẹ hoặc ông bà từng sống ở Đông Dương. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ hoặc nghỉ hưu, họ trở về Pháp và trong hành lý trở về thường có những tác phẩm hội họa, tranh vẽ, đồ gốm, đồ đồng, sơn mài...
Hiện vẫn còn rất nhiều đồ vật được mang ra bán đấu giá và những “kho báu” này thường được người châu Á mua lại. Đối với các cơ quan Pháp, điều quan trọng là phải giữ được dấu tích mọi trao đổi giữa Pháp và Việt Nam vì đây là cách duy nhất để bảo vệ mối liên hệ này. Người Pháp cũng muốn phát triển nghệ thuật và khả năng tiếp cận nghệ thuật hiện đại, mới mẻ, tạo ra được những tác phẩm lý thú kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và phương Đông.
Những tác phẩm hội họa Việt Nam mới được đưa vào bảo tàng Cernuschi còn được giới thiệu đến công chúng đến ngày 4-11, song song với một số buổi giới thiệu và thảo luận. Bà Anne Fort không giấu được sự ngạc nhiên về số lượng “like” trên mạng xã hội khi bảo tàng Cernuschi thông báo tổ chức triển lãm những tác phẩm Việt Nam, như kiểu một sự kiện được trông đợi từ lâu. Dù đó là những người gốc Việt hoặc không phải gốc Việt, nhưng họ đã từng sống ở Việt Nam, hoặc có người thân sống ở Việt Nam. Sự kiện này đã tác động đến họ và thôi thúc họ đến xem những tác phẩm mới này.