Tái định cư tại Khu chung cư Vĩnh Lộc B: Khó an cư

Là khu chung cư tái định cư (TĐC) có quy mô lớn nhất TPHCM nhưng sau 1 năm sử dụng, chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng cư dân. Vấn đề “hậu TĐC” tại khu chung cư cũng chưa được chính quyền, các cấp ngành liên quan quan tâm, giải quyết khiến người dân khó an cư lạc nghiệp. Thực trạng này đang tồn tại ở Khu chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Tái định cư tại Khu chung cư Vĩnh Lộc B: Khó an cư

Là khu chung cư tái định cư (TĐC) có quy mô lớn nhất TPHCM nhưng sau 1 năm sử dụng, chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng cư dân. Vấn đề “hậu TĐC” tại khu chung cư cũng chưa được chính quyền, các cấp ngành liên quan quan tâm, giải quyết khiến người dân khó an cư lạc nghiệp. Thực trạng này đang tồn tại ở Khu chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM.
 

Đường lầy lội dẫn vào Khu chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Đường lầy lội dẫn vào Khu chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh.

Báo động xuống cấp
 
Để giúp người dân sau giải tỏa sớm có chỗ ở ổn định, năm 2004, UBND TPHCM giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị TP làm chủ đầu tư, xây dựng Khu chung cư TĐC Vĩnh Lộc B trên diện tích 31ha tại huyện Bình Chánh. Theo thiết kế, khu chung cư có 45 lô (1.939 căn hộ) và 529 nền bố trí TĐC cho người dân bị giải tỏa ở các quận 1, 6, 8, 11, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Đến giữa năm 2011, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị TP  đã giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh tiếp quản, đưa vào sử dụng 23 lô.

Chính thức vận hành chỉ một năm nhưng hiện các lô này đang xuống cấp báo động. Chiều 10-7, ghi nhận tại lô A2.10, chúng tôi thấy trần của một số căn hộ ở tầng 5 bị thấm dột, nổi meo mốc, tường nhà bọc quanh giếng trời bị nứt. Tại một số căn hộ khác ở các lô B1.1, B2.2… cũng đang xuống cấp tương tự, nhiều căn hộ còn bị rớt trần nhựa, gạch ốp lát bị bong tróc, các hộp gen bị thấm nước, cột ốp bị nứt. Chưa hết, vỉa hè quanh các lô cũng bị lún sâu, hệ thống PCCC không hoạt động… Ông Hùng, ở lô B1.1, than thở: “Ở chung cư TĐC mới nhưng chúng tôi lúc nào cũng run, đêm nằm không dám ngủ vì sợ la phông rơi trúng. Mùa mưa tới, nước thấm dột trần và tường. Biết vậy, ngay từ đầu gia đình tôi không dọn về đây ở”. Còn bà Huế, ở lô B2.2 kể, mỗi lần phát hiện căn hộ có sự cố, bà con lo lắng báo ban quản lý khu chung cư nhưng lần nào cũng mất cả tuần, mới có người đến sửa chữa, khắc phục. Theo nhiều người dân, chủ đầu tư, đơn vị thi công và cả đơn vị quản lý quá xem thường mạng sống người dân. Nếu để lại hậu quả nghiêm trọng, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Ngoài ra, nước sinh hoạt ở khu chung cư thường xuyên có màu xanh, điện liên tục bị cắt, điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội bộ không mở. Việc này bà con đã báo ban quản lý khu chung cư nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Không chỉ lo sợ về các hư hỏng, sự cố xảy ra trong căn hộ, việc đi lại của cư dân cũng gặp nhiều khó khăn, bất tiện do tuyến đường dẫn từ tỉnh lộ 10 vào khu chung cư luôn trong tình trạng nắng bụi mưa lầy. Theo UBND huyện Bình Chánh, tuyến đường vào khu chung cư chưa được nâng cấp là do vướng một dự án khác bên cạnh, do đó việc nâng cấp đường chưa thể tiến hành được trong thời điểm này.

Khó an cư

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong số 23 lô của chung cư với tổng số 940 căn hộ do Ban Quản lý đầu tư xây dựng nâng cấp đô thị TP bàn giao cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh trong giai đoạn 1 hiện mới có 123 hộ ký nhận căn hộ và chỉ có 87 hộ vào ở. Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh, cho biết sở dĩ người dân ngại TĐC ở khu chung cư Vĩnh Lộc B là do nơi đây quá xa nội thành, phần khác do một số hạng mục phụ quanh khu dân cư như bệnh viện, siêu thị, khu giải trí… chưa được đầu tư xây dựng.
 
Hiện nay, gần 166 hộ dân ở chung cư Cô Giang bị giải tỏa được bố trí TĐC ở các lô A2.6 đến A2.10 nhưng chỉ có một hộ đến ký nhận căn hộ. Các hộ dân còn lại cho rằng, việc UBND quận 1 bố trí TĐC cho bà con tại khu chung cư TĐC Vĩnh Lộc B là không hợp lý. Bởi lẽ, cuộc sống của hầu hết các hộ dân tại chung cư Cô Giang phụ thuộc hoàn toàn vào việc kinh doanh, mua bán tại chỗ. Do đó, khi bố trí về ở tại khu chung cư TĐC Vĩnh Lộc B, xung quanh là ruộng nước, điều kiện sống bị thay đổi, người dân khó ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Lê Hùng Cận, ở lô D, chung cư Cô Giang, cho biết ở quận 1, mỗi ngày ông mở tiệm sửa xe trước nhà, thu nhập mỗi tháng được 5 - 6 triệu đồng, đủ nuôi sống gia đình. Giờ TĐC tại khu chung cư, chung quanh toàn ruộng, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng thêm nặng. Bằng cách nào để giúp cư dân TĐC ở khu chung cư Vĩnh Lộc B được sống an toàn, sớm ổn định, an cư lạc nghiệp?

TUẤN VŨ -  VÕ LÂM

Tin cùng chuyên mục