Tấm lòng lương y
Bệnh viện Quân y 175 vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam khoảng 20 tuổi, bị tai nạn giao thông ở quận Gò Vấp, được người đi đường đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, không mang theo giấy tờ tùy thân nên không rõ họ tên, địa chỉ.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Cường đang điều trị bệnh nhân này, thông tin: “Bệnh nhân bị chấn thương sọ não nhưng người thân không hay biết để vào chăm sóc. Sau thời gian được hồi sức tích cực, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân đã có dấu hiệu sinh tồn, tiên lượng cải thiện tốt, có thể mở mắt, nói tên, nhưng không nhớ địa chỉ nhà do chấn thương sọ não, xuất huyết dưới não, nên vẫn chưa liên lạc được với gia đình. Hiện tại, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng thay nhau chăm sóc, hy vọng bệnh nhân sớm có người thân tìm đến nhận”.
Trung úy Trần Xuân Dương, công tác tại Phòng Chính trị Bệnh viện Quân y 175, cho biết: “Đối với các bệnh nhân không người thân, bệnh viện vẫn ân cần chăm sóc. Đến khi bệnh nhân bình phục, nếu không có người thân đến rước, bệnh viện sẽ liên hệ nhà chùa hoặc các tổ chức từ thiện để gửi đưa bệnh nhân về. Có những trường hợp tình cảnh bệnh nhân quá khó khăn, bệnh viện hỗ trợ xe đưa về tận địa phương”.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có trường hợp bệnh nhân B.V.T. bị tai nạn giao thông, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê, người thân không hay biết để vào chăm sóc. Các bác sĩ, y tá đã chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân này đến lúc sức khỏe cải thiện và liên lạc được với người thân. Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Chợ Rẫy còn chu đáo, lo thủ tục cho bệnh nhân này hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế khi chuyển về bệnh viện tuyến dưới gần nhà tiếp tục theo dõi điều trị.
Có trường hợp bệnh nhân mồ côi từ nhỏ, sống trong cô nhi viện ở Đà Nẵng, vào TPHCM bán vé số kiếm sống, rồi bị ung thư, nhập viện và được chuyển vào Khoa Giảm nhẹ Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Biết hoàn cảnh nghèo khó, đơn chiếc của bệnh nhân, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã tận tình chăm sóc, hỗ trợ. Có nhiều trường hợp bệnh nhân gặp tình cảnh không người thân chăm sóc như vậy đã được các thầy thuốc hết lòng cưu mang.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy, kể: “Có nhiều khi bệnh viện tiếp nhận cấp cứu những bệnh nhân bị tai nạn hôn mê không rõ họ tên. Cùng với việc giúp họ vượt qua tình cảnh khó khăn, bệnh viện tìm cách liên lạc, thông báo để người nhà bệnh nhân hay tin, đến tiếp nhận. Một số trường hợp bệnh nhân ở tỉnh xa, người nhà không biết thông tin, bệnh viện vẫn tiếp tục chăm sóc, giúp chi trả những khoản viện phí này. Trường hợp chi phí quá lớn, bệnh viện sẽ kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm”.
Việc thiện nguyện thầm lặng
Khi bệnh nhân liên lạc được người nhà, đoàn tụ gia đình, đó là niềm vui lớn của đội ngũ thầy thuốc đang chăm sóc bệnh nhân không người thân, mọi người cảm thấy nhẹ lòng như vừa hoàn thành một nhiệm vụ nặng nề. Cùng với đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân không người thân, các thân nhân của những bệnh nhân nằm cùng phòng cũng hiểu và hào hiệp chia sẻ với công việc “bao đồng” này.
Chị Thái Thị Bé Sáu, điều dưỡng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ: “Chúng tôi xem việc chăm sóc bệnh nhân không người thân ở bệnh viện là một công việc thiện nguyện. Với các trường hợp này thì mình càng phải chăm sóc kỹ hơn các bệnh nhân khác, giúp họ chóng bình phục, nhớ được địa chỉ nhà để liên lạc gia đình. Niềm vui lớn của chúng tôi là việc thiện nguyện này luôn được nhiều thân nhân của các bệnh nhân cùng phòng thấu hiểu và sẻ chia, cùng gánh vác công việc chăm sóc bệnh nhân không người thân”.
Bà Tô Huỳnh Minh Tâm, Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, nói thêm: “Dù công việc quá tải, tập thể các bác sĩ, y tá, điều dưỡng vẫn quan tâm chăm sóc, điều trị các bệnh nhân không người thân, giúp họ hồi phục, tìm được gia đình. Cũng có trường hợp bệnh nhân mất sau thời gian điều trị mà vẫn chưa tìm thấy thân nhân. Khi ấy, bệnh viện lo thủ tục an táng tại nhà vĩnh biệt và tiếp tục đưa thông tin vô danh sách tìm người thân trên trang web của bệnh viện”.