Cảnh sát PCCC TPHCM dự báo, tình hình cháy nổ ở 2 loại nhà trên tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới do quá trình ở, sản xuất, kinh doanh trong nhà của người dân còn tồn tại nhiều vi phạm nghiêm trọng. Phóng viên Báo SGGP đã ghi lại các kiến nghị về giải pháp căn cơ để ngăn chặn, hạn chế thực trạng trên từ lãnh đạo nhiều sở ban ngành TP.
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM:
Di dời địa điểm có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu dân cư
Tại TPHCM, dân số mỗi ngày một tăng cao, mật độ nhà ở ngày càng dày. Nhiều nơi, khu vực, nhà ở không chỉ để ở mà chủ nhà còn trưng dụng tầng trệt để sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, theo quy định của ngành chức năng, Cảnh sát PCCC lại không quản lý Nhà nước về PCCC đối với 2 dạng nhà này, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng cháy nổ NƠHGĐ và NƠKHKD, theo tôi cần thiết triển khai các giải pháp sau:
Đối với nhà ở riêng lẻ, khi cấp phép xây mới, sửa chữa, cơ quan cấp phép cần ràng buộc quy định đảm bảo an toàn cháy nổ. Cụ thể, lối thông hành địa dịch, hệ thống điện trong nhà… phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC. Nếu các điều kiện này không đảm bảo, kiên quyết không cấp phép. Tại các khu dân cư hiện hữu, UBND các quận huyện cần rà soát, nắm rõ đặc điểm các hẻm nhỏ, hẻm không đảm bảo giao thông chữa cháy, hẻm có nhiều nhà dân cơi nới… Qua đó, tổ chức cải tạo, chỉnh trang để đảm bảo tốt việc phòng ngừa, chữa cháy cũng như cứu nạn khi sự cố xảy ra.
Đối với NƠKHKD trong khu dân cư, cần thiết phải di dời ngay ra ngoài. Các cơ quan chức năng liên quan cần tháo dỡ, xử lý nghiêm các trường hợp lắp đặt biển quảng cáo vi phạm các quy định về xây dựng, an toàn PCCC. Làm tốt các yếu tố này, tôi nghĩ sự cố cháy nổ ở NƠHGĐ và NƠKHKD và hậu quả để lại do cháy sẽ giảm.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM:
Triệt tiêu các vi phạm an toàn cháy nổ trong sử dụng điện
Kết quả từ các cuộc khảo sát, tư vấn sử dụng điện của đơn vị cho thấy, ở hầu hết NƠHGĐ và NƠKHKD đều vi phạm các quy định về an toàn PCCC trong sử dụng điện. Các vi phạm chủ yếu là dây dẫn điện trong nhà không phù hợp với phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật; sử dụng vật tư, thiết bị không đúng quy cách, không đảm bảo chất lượng; không bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp; treo mắc hàng hóa, vật dụng lên đường dây điện; để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần đường dây điện và các thiết bị sinh nhiệt như đèn, bếp điện, ổ cắm điện; quên tắt bếp gas, bàn ủi… Các lỗi trên tuy thấy đơn giản nhưng lại rất phổ biến, dễ dẫn đến cháy, cháy lan, cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Để ngăn chặn cháy nổ NƠHGĐ và NƠKHKD, theo tôi phải triệt tiêu bằng được vi phạm an toàn PCCC trong sử dụng điện. Cụ thể, phải bắt đầu từ việc ngăn chặn các thói quen xấu, hành vi vi phạm nêu trên. Để làm được điều này, tôi nghĩ chính quyền, ngành chức năng các cấp phải thay đổi cách thức tuyên truyền, vận động người dân. Việc tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực hơn để người dân, nhất là các trường hợp vi phạm, nhận thức đúng và đủ hơn hậu quả từ hành vi vi phạm, từ đó chấp hành tốt hơn các quy định về PCCC trong sử dụng điện. Về lâu dài, TP cần phải có cơ quan, tổ chức độc lập, có thẩm quyền, khả năng xử lý, chế tài đối với hành vi vi phạm về PCCC trong sử dụng điện. Một khi vi phạm trong sử dụng điện không còn, chắc chắn tình trạng cháy nổ sẽ giảm mạnh.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM:
Tăng đầu tư cho lực lượng PCCC tại chỗ
PCCC là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng PCCC tại chỗ (bảo vệ dân phố, dân phòng, PCCC chuyên ngành…) có vai trò rất quan trọng, nhất là công tác PCCC đối với NƠHGĐ và NƠKHKD. Vì đây là lực lượng gần gũi với người dân nhất, tuyên truyền người dân dễ “thấm”. Khi xảy ra sự cố, đây cũng là lực lượng trực tiếp can thiệp sớm và nhanh nhất. Từ đó cho thấy, nếu lực lượng PCCC tại chỗ được đầu tư bài bản, chắc chắn vi phạm về PCCC sẽ được hạn chế, sự cố ít xảy ra và nếu có xảy ra sẽ được xử lý nhanh, hậu quả để lại không nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ở nhiều nơi, lực lượng PCCC còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ. Đơn cử như lực lượng bảo vệ dân phố, do mức hỗ trợ thấp (1,5 triệu đồng/người/tháng) nên ít người muốn tham gia; đa số những người tham gia đã lớn tuổi hoặc không có trình độ… Và những người này không đảm bảo điều kiện sức khỏe, kiến thức để làm nhiệm vụ PCCC, an ninh trật tự nói chung. Số lượng, nghiệp vụ đã vậy, trang thiết bị đầu tư cho các lực lượng PCCC tại chỗ cũng thiếu. Từ đó kéo theo hoạt động của các lực lượng này chưa thực sự hiệu quả. Để tồn tại này kéo dài, có phần trách nhiệm của Cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, muốn khắc phục được các tồn tại phải có sự vào cuộc, chung tay của các cấp chính quyền, từ cơ chế hoạt động đến con người… Tôi nghĩ đầu tư bài bản hơn cho lực lượng PCCC tại chỗ là giải pháp cần làm hiện nay để kéo giảm cháy nổ và thiệt hại ở NƠHGĐ và NƠKHKD.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM:
Kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thiết bị điện “dỏm”
Hầu hết các vụ cháy có nguyên nhân xuất phát từ vi phạm PCCC trong sử dụng điện. Từ thực tế này, tôi nghĩ ngành điện cần nghiên cứu bổ sung nội dung cam kết của từng hộ gia đình trong việc sử dụng điện đảm bảo an toàn vào hợp đồng mua bán điện để nâng cao ý thức cho người dân. Đồng thời ngành điện phải đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, nhắc nhở việc sử dụng điện đối với người dân (Thông tư 27/2013/TT-BCT ngày 31-10-2013 của Bộ Công thương cho phép kiểm tra viên điện lực có quyền kiểm tra). Bên cạnh đó, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học Công nghệ TPHCM) cần phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường TP thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để việc kinh doanh vật tư, thiết bị điện (dây dẫn, ổ điện, phích cắm, cầu chì…) không đạt chất lượng. Khi còn thiết bị điện “dỏm” bày bán tràn lan, nguy cơ cháy nổ còn tăng cao…